Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

MẸ LÀ AI

                                                     Nhà thơ Xuân Quỳnh viết về người mẹ của chồng mình mà khi đọc lên sức lôi cuốn của những câu thơ của bà khiến người ta không thể không tự hỏi: phải chăng Xuân Quỳnh đang nhắc cho chúng ta về một người mẹ hiền mà đã quá lâu chúng ta quên bẵng?

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Giữa làn hoa cỏ núi sông
Giữ lòng thương Mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ xin anh để bây giờ cho em

Hình ảnh nghèo khó của làng quê Việt Nam với những mái tranh nghèo và những gia đình đôi khi neo đơn đến tội nghiệp đã đi vào văn chương Việt Nam với khả năng gây xao động lòng người. Trong những mái tranh nghèo ấy tình mẹ lại càng toả sáng biết bao nhiêu với những thân cò lặn lội.
Người con ao ước mua cho mẹ mình những miếng trầu thơm cay và cứ mỗi khi đi ngang hàng trầu thì niềm ao ước ấy lại càng mãnh liệt. Đến khi có thể mua miếng trầu cho mẹ thì bà đâu còn nữa. Người con gái tội nghiệp cũng là nhà thơ Nguyễn Thị Mai kể lại trong nước mắt.


"Mẹ ơi?
Thơm cay một miếng trầu xưa
Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
Bây giờ đã bớt gieo neo
Lại không còn mẹ mà chìu. Khổ không?
Từ ngày đưa mẹ ra đồng
Qua hàng trầu vỏ con không dám vào"




Có một điểm chung của những bà mẹ Việt Nam là sự khó nhọc nuôi con cùng những hy sinh vô bờ đã khiến bà trở thành biểu tượng của điều thiêng liêng mà chúng ta ai cũng có một.
"À à ời, À à ơi...
Cái ngủ, mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu, chưa về,
Bắt được con trắm con trê,
Cầm cổ lôi về, cho cái ngủ nó ăn.
À à ời, À à ơi..."


Và hình ảnh người Mẹ già thui thủi một mình trên cánh đồng chiều đông buốt giá
"Thương nhiều lắm dáng mẹ lom khom
Cúi trên ruộng đồng chiều đông buốt giá,
Nặng gánh rau chợ tàn chiều muộn,
Chắt chiu tiền nhàu nát gửi con xa.
Tim thổn thức, nước mắt cứ trào ra
Khi cầm trên tay tờ bạc nhàu cũ nát."


Và hình ảnh người mẹ của nhà thơ Thanh Vân cho thấy sự vất vả của bà trên cánh đồng như thế nào:
"Mẹ tôi bước xuống đồng sâu
Ngọn cỏ ngóc đầu sắc tựa mũi chông
Mẹ tôi ngã quỵ xuống đồng
Cây lúa đòng đòng đỡ mẹ đứng lên."


Nhà thơ Vương Trọng khi đến tuổi 70 khi nằm chiêm bao thấy lại mẹ mình với những câu thơ đau sót:

"Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt đường đê sụt lở,
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.
Anh em con chịu đói suốt ngày tròn,
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa.
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về
Chiêm bao ta nước mắt dầm dề
Con gọi Mẹ một mình trong đêm vắng
Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng
Tới vuông đất Mẹ nằm lưng núi quê hương."

Hình ảnh của mẹ hiền ăn sâu vào tiềm thức của người con xa quê như một vết thương không bao giờ lành. Thao thức nhớ mẹ là tình cảnh chung và nhà thơ Hoàng Phố, sống cách Việt Nam nửa vòng trái đất mượn bạn mình đến nhà để thăm bà trong khi heo hút:
"Mày có đi làm ghé chơi thăm má
mua một tô mì cho má giùm tao
nhớ thêm bột nêm vào trong hoành thánh
tánh má từ xưa vẫn thích ngọt ngào

Nếu má hỏi mày làm ăn có khá
cũng ráng mà cười nói được nghe chưa
tính má hay buồn nghe ai thất bại
bốn chục năm rồi má vẫn như xưa

Khi mày ra về cũng nên hẹn lại
sẽ đến thăm khi rảnh rỗi việc nhà
má như trẻ thơ thích ngồi nói mãi
những chuyện ngày xưa hồi còn có ba

Ừ mà tao quên mày đốt cho ba
một nén nhang thơm cho má mát lòng
bởi tao đi rồi là hai hình bóng
nay đã mất tăm vừa con vừa chồng..."


Nhà thơ Trần Trung Đạo cũng ở xa nhà , xa rất xa nhưng cũng hạnh phúc hơn khi còn nghe ra giọng nói yêu dấu của mẹ mình:
"Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi."


Và rồi nhà thơ thở dài với những cách trở mà ông không hy vọng gì san lấp được. Ông chỉ còn niềm mơ ước duy nhất nhưng chừng như niềm mơ ước này cũng chỉ là thiên thu mà thôi...



"Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương

Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.
Bửa nay lên giỗ bên chồng
Tay bưng quả nếp tay bồng con thơ."





Những chiếc bông hồng tượng trưng cho những người còn mẹ là một phong tục đẹp của người Nhật và đi sâu vào lòng chúng ta từ nhiều năm qua. Khi cánh hoa hồng biến thành màu trắng thì nỗi bất hạnh cũng ập xuống cuộc đời. Nhà thơ Trần Kiêu Bạc trở về nhà thẩn thờ sau khi chôn cất mẹ: Khi nắm đất sau cùng lắp kín mộ sâu
Con trở về nhà một mình trống vắng
Trên ngực con nở đoá hoa hồng trắng
Quỳ trước bàn thờ cam phận mồ côi


Với nhà thơ Thu Nguyệt thì niềm đau có khác như màu trắng hoa cà na từ đây dưới mắt nhà thơ đã chớm mang một màu tang chế:


"Ngày mẹ mất bông cà na rụng trắng
Hoa như mưa nhoè nhoẹt rối tơi bời
Trong nắm đất con lấp từ biệt mẹ
Có rất nhiều những cánh hoa rơi.

Hoa cũng như đời mẹ, mẹ ơi!
Nở lặng lẽ và rơi lặng lẽ
Cô đơn nào hơn những người mẹ trẻ
Con chưa đủ lớn khôn để chia sẻ vui buồn.

Giọng ru buồn len lén hoàng hôn
Ba mươi năm sau đời con mới hiểu
Nỗi cô đơn mẹ âm thầm gánh chịu
Nhiều như bông cỏ dại quê mình."


Nhà thơ Vương Trọng cho chúng ta những khúc hát đẫm nước mắt như trong giấc mơ mà nhà thơ trải qua:
"Con lang thang vất vưởng giữa đời thường,
Đâu cũng sống không đâu thành quê được.
Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp,
Con ít về từ ngày mẹ ra đi.
Đêm tha hương con tìm lại những gì
Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa.
Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ
Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao."


Người mẹ trong tâm thức Việt Nam vẫn luôn sáng lên niềm hy vọng tuyệt đối. Là chỗ nương thân, là bóng mát, là đại dương, hay là gì chăng nữa vẫn không nói hết được tình yêu của bà đối với con thơ. Ngày Mother's Day, nghĩ về mẹ một chút cũng là diễm phúc vì con biết con đã và đang từng có mẹ...

Hãy phân tích đoạn thơ sau đây:

“Tây tiến đòan binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
(Tây Tiến_Quang Dũng).

                     “Tây Tiến” là bài thơ hay nhất của Quang Dũng và cũng là bài thơ tuyệt bút viết về “anh cụ Hồ” trong kháng chiến chống Pháp. Quang dũng vừa là nhà thơ nhưng cũng là chiến sĩ trên mặt trận. Ông viết về đồng đội, về đoàn binh Tây Tiến thân yêu của mình với tất cả lòng yêu mến tự hào mãnh liệt. Thơ của Quang Dũng nóng bỏng hào khí chiến trường của anh Vệ quốc quân những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau một thời gian xa đơn vị và đồng đội thân yêu, ông viết bài thơ Tây Tiến này vào năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, một địa điểm bên bờ dòng sông Đáy hiền hòa. Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ và niềm tự hào của đoàn binh Tây Tiến, đối với con sông Mã và núi rừng miền Tây xa xôi. Đó là nỗi nhớ chơi với bao kỉ niệm đẹp và cảm động một thời trận mạc đầy gian khổ, hy sinh. Đây là đọan thơ thứ ba trong bài thơ Tây Tiến, đã khắc họa khí phách anh hùng và tâm hồn lãng mạn của người chiến sĩ trong máu lửa.
“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
…………………………………..
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Trên những nẻo đường hành quân chiến đấu, đoàn binh Tây Tiến đã muôn trùng khó khăn phải đối diện với những nguy hiểm thử thách của thiên nhiên Tây Bắc. Họ đã đấu tranh để tiến về phía Tây trong cuộc kháng chiến chống Pháp cùng với nhân dân Lào. Trong cuộc hành quân, những bệnh tật luôn đi bên họ, luôn rình rập những nguy hiểm “Đêm đêm mường hịch cọp trêu người”. Và, họ, những con người trong máu lửa xuất hiện trong bút pháp hiện thực của nhà thơ, vừa trần trụi nhưng thật lãng mạn:
“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”.
Cái hình dáng ấy không mấy gì đẹp đẽ với “Quân xanh màu lá” và “đầu không mọc tóc”, nó tương phản với “dữ oai hùm” một nét chạm khắc tài tình làm nổi bật chí khí hiên ngang, tinh thần quả cảm xung trận của các đoàn binh Tây Tiến từng làm cho giặc phải khiếp sợ. Chúng ta biết, núi rừng Tây Bắc được nhà thơ miêu tả không những trắc trở mà còn đầy những nguy hiểm. Người lính xuất hiện với hình dạng “không mọc tóc”, đây là thảm trạng của rừng thiêng nhưng “không mọc tóc” cũng có thể bởi vì không muốn mọc tóc. Chi tiết thể hiện sự ngang tàng của người lính. Bút pháp tả thực không chỉ dừng lại ở đó, mà “quân xanh màu lá” nó vừa bậc lên sự xanh xao của màu da thịt, với những cơn sốt rét rừng hoành hành. Song, lại còn có một cách hiểu là về nguồn gốc của “cái màu xanh ấy”, đó là màu xanh mà bộ đội ta ngụy trang. Nói cho cùng, Quang Dũng đã trung thành với bút pháp hiện thực khi miêu tả về những khó khăn bệnh tật mà người lính gặp phải. Đọc hai câu thơ, tôi thấy được cái hay của Quang Dũng, ông ta miêu tả cái hiện thực để làm rõ cái nền của thiên nhiên, bên cạnh đó, ông đang trang điểm cho người lính thêm một họa tiết rất hay. Đó là “giữ oai hùm”. Cụm động từ xuất hiện trong sự tương phản của những cái gay gắt và khó khăn nhất. Hình ảnh này mang tính chất ẩn dụ và nói lên tính kế thừa, sáng tạo của nhà thơ. Các chiến binh “Sát Thát” đời Trần “Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu” (Phạm Ngũ Lão); “Tỳ hổ ba quân, giáo gươm sáng chói” (Trương Hán Siêu). Nghĩa quân Lam Sơn xung trận trong khí thế “bình Ngô”: “Sĩ tốt kén tay tỳ hổ - bề tôi bọn kẻ vuốt nanh”. Với niềm tự hào ấy, Quang Dũng đã cho ra đời câu thơ “Quân xanh màu lá giữ oai hùm” như một niềm tự hào của nhà thơ. Quang dũng đã lấy cái “thô”, cái “mộc” để tô đậm cái đẹp, cái dũng khí ấn chứa trong tâm hồn người chiến sĩ.
Với những gian ác hiểm trở, khó khăn…nhưng ở họ, vẫn có những ước mơ những giấc mộng rất đẹp và đầy lãng mạn:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Mộng” và “” gửi về hai phía chân trời: biên giới và Hà Nội, nơi có đầy bóng giặc. “Mắt trừng”, hình ảnh thể hiện nét dữ dội, oai phong lẫm liệt, tinh thần cảnh giác, tỉnh táo của người lính trong khói lửa ác liệt. “Mộng qua biên giới”- mộng tiêu diệt thù, bảo vệ biên cương, lập nên chiến công nêu cao anh hùng của đoàn binh Tây Tiến. Lại có thêm một giấc mơ về phố cũ yêu thương. Rất phong tình và tài hoa.
Xuất thân của các chiến sĩ Tây Tiến là những học sinh, sinh viên đã xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi của non sông. Họ là những thanh nhiên giàu lòng yêu nước và rất hào hoa:
 “Từ thưở mang gươm đi giữ nước
Nghìn năm muôn thương nhớ đất Thăng Long
(Huỳnh Văn Nghệ)
Sống giữa núi rừng gian khổ, ác liệt, cái chất bủa vây, lửa đạn mịt mù, nhưng các chiến sĩ vẫn mơ về Hà Nội. Làm sao họ quên được những hàng me, có “Gió mùa thu hương cốm mới”, “Những phố dài xao xác hơi may?”(Nguyễn Đình Thi)…và, làm sao có thể xóa được hình dáng của dáng kiều thơm với “Cuộc chia tay chói ngời sắc đỏ” (Nguyễn Mỹ). Dáng kiều thơm, hình ảnh thề hiện sự khám phá của nhà thơ. Bút pháp lãng mạn tạo nên tính thẩm mỹ trong câu thơ. Chẳng hạn ở “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
Những đêm dài hành quâ nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
Cho đến Hữu Loan, “Màu tím hoa sim” cũng làm nên tinh thần của vẻ đẹp lãng mạn:
…”Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến tranh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ nhỏ, bé bỏng chiều quê…”
Dường chăng, trong văn học cách mạng, hình ảnh người chiến sĩ trong cái vẫy vùng khói lửa thường xuất hiện hình ảnh của người con gái. Đã có Tây Tiến của Quang Dũng và “Cuộc chia tay màu đỏ” của Nguyễn Mỹ. Những lời thơ làm nên hình ảnh đẹp đẽ và mang đầy tính lãng mạn của Tây Tiến, của những người lính cụ Hồ.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Trong gian khổ hi sinh những năm dài chiến trận, bao đồng đội của nhà thơ đã ngã xuống trên chiến trường miền Tây. Họ nằm lại chân đèo, góc núi. Nấm mồ của người chiến sĩ “rải rác biên cương”. Câu thơ gợi cho lòng ta nhiểu thương cảm biết bao tự hào: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Nếu tách hai câu trên ra khỏi đoạn thơ thì nó tựa như bức tranh xám lạnh, ảm đạm và hắt hiu. Nhưng nằm trong văn cảnh, đoạn văn câu thơ tiếp theo: ”Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” thì nó đã nâng cao chí khí và tầm vóc người lính. Các anh ra trận vì một lý tưởng rất đẹp. “đời xanh” là đời trai trẻ, là tuổi thanh xuân của “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng…”, những học sinh, sinh viên Hà Nội. Họ lên đường đầu quân vì nghĩa lớn của chí làm trai. Ho “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Câu thơ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” vang lên như một lời thề thiêng liêng, cao cả. Các anh quyết đem xương máu để bảo vệ tổ độc lập, tự do cho tổ quốc. anh bộ đội cũng như nhân dân ta đã đứng lên kháng chiến với quyết tâm sắt đá: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh). Quang Dũng đã ghi lại một cách chân thực, cảm động cảnh tượng bi tráng trên chiến trường miền Tây thưở ấy:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Các tráng sĩ xưa giữa chốn sa trường lấy da ngựa bọc thây làm niềm kiêu hãnh. Các chiến sĩ Tây Tiến với các manh chiếu đơn sơ, với tấm áo bào bình dị ấy, thế là: “anh về đất”. Một cái chết nhẹ nhàng, thanh thản. Anh ra trận giết giặc vì quê hương. Anh ngã xuống “về đất” để ca ngợi sự hi sinh cao cả mà bình dị, thầm lặng thanh thản, nhẹ nhàng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng của những anh hùng vô danh. Người chiến binh Tây Tiến đã sống và chiến đấu cho quê hương, đã chết vì đất nước quê hương. “Anh về đất” bằng tất cả tấm lòng chung thủy của người chiến sĩ. Tiếng thác sông Mã “gầm lên” giữa núi rừng miền tây như tiếng kèn trong bài “Chiêu hồn liệt sĩ” tống tiễn linh hồn các anh về nơi an giấc ngàn thu. Câu thơ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” là một câu thơ hay vì gợi tả không khí thiêng liêng, trang trọng, đồng thời tạo nên âm thanh rất đặc sắc, bên cạnh những từ ngữ bình dị thời lính như: gục, không mọc tóc, dữ, trừng, về đất, chiếu, gầm, lên… lại có một số từ Hán Việt như: mộng, mơ, biên giới, dáng kiều thơm, biên cương, viễn xứ, áo bào, khúc độc hành, - nhờ đó mà cái bình làm nổi bật cái cao cả thiêng liêng, cái bình thường tô đậm cái anh hùng, vĩ đại. Chất bi tráng về màu sắc lãng mạn của vần thơ đã tỏa rộng trong không gian và chiều dài lịch sử, vĩnh hằng như một tượng đài chiến thắng!
Đoạn thơ trên là đoạn thơ viết về chân dung người lính trong bài thơ “Tây Tiến” là đoạn thơ hay nhất. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được nhà thơ kết hợp vận dụng sáng tạo trong miêu tả và cảm xúc, tạo nên những câu thơ “có hồn”. Người lính đã sống anh dũng, chất vẻ vang. Hình tượng người chiến sĩ Tây Tiến mãi mãi là một tượng đài nghệ thuật bi tráng về anh bộ đội cụ Hồ đã in sâu trong tâm hồn dân tộc. “Ai lên tây bắc mùa xuân ấy”… đồng đội nhà thơ ai còn, ai mất? Nửa thế kỉ đã trôi qua, hình ảnh các anh hùng tây tiến vẫn chói ngời sông núi:
“Tây tiến đòan binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”






Hãy phân tích đoạn thơ trên để làm rõ sự gợi cảm phong phú bất ngờ của hình tượng “sóng” trong sự liệt kê, đối sánh của nhân vật trữ tình “em”.

…”Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”…
(Sóng, Xuân Quỳnh)
               Nhắc tới Xuân Quỳnh, người ta nhớ ngay đến một tâm hồn kín đáo và ý vị. “Sóng” là tác phẩm chuyển tải tất cả nét đẹp lãng mạn trong trái tim người phụ nữ mang tên thi sĩ Xuân Quỳnh. Là nhà thơ trung thành với thể thơ ngũ ngôn, Xuân Quỳnh đi vào làng thơ hiện đại Việt Nam với khuôn mặt đẹp đẽ và mang đầy đặc trưng với cung điệu tình yêu. Đọc tác phẩm, chúng ta nhận thấy được vẻ đẹp của người thiếu nữ muốn được yêu, được sống trong tình yêu hạnh phúc thủy chung.
Bốn khổ thơ dưới đây trích trong phần đầu bài thơ. Hình tượng sóng trong sự liên hệ đối sánh với nhân vật trữ tình em đã đem đến cho tâm hồn ta bao gợi cảm phong phú bất ngờ:
“Ôi con sóng ngày xưa
…..
Cả trong mơ còn thức
Sóng là biểu tượng muôn đời của đại dương bao la. Còn vũ trụ, đất trời thì còn có đại dương; đại dương còn thì “muôn trùng sóng bể”. Sóng là sức sống vĩnh hằng, kì diệu của biển, trường tồn trong dòng chảy thời gian:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế”
Thán từ “ôi” cất lên đầy xúc động ngây ngất của một nỗi niềm. Sóng của biển cũng như tình yêu là chuyện muôn đời của lứa đôi, là “khát vọng” của trai gái xưa nay. Sóng reo, sóng vỗ trên biển cả mênh mông cũng như “con sóng” tình yêu biến hóa vô cùng, lúc thì “dữ dội và dịu êm”, lúc thì “ồn ào và lặng lẽ”, làm cho trái tim tuổi trẻ rung động, xao xuyến, “bồi hồi”:
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trên ngực trẻ”
Hình tượng của sóng trong những dòng thơ ngọt ngào tha thiết đầy gợi cảm mang tính nhân văn. “Trước muôn trùng sóng bể” của đại dương mênh mông, lớp lớp liên hồi, vô tận, thiếu nữ “bồi hồi” nghĩ về qui luật của sự sống, về sự trường tồn của đại dương, về nguyên nhân kì diệu nào mà có “sóng lên”. Rồi thiếu nữ bâng khuâng nghĩ về mối tình duyên của mình, về tình yêu của emanh. Điệp ngữ “em nghĩ về…”, kết hợp với câu hỏi tu từ: “Từ nơi nào sóng lên?” đã làm cho giọng thơ nồng nàn, say đắm, cảm xúc bâng khuâng triền miên dào dạt dâng lên. Hình tượng sóng và sự liên tưởng phong phú được diễn tả một cách thi vị:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”
Hỏi sóng rồi hỏi gió: ”Gió bắt đầu từ đâu?”. Rồi thiếu nữ lại tự hỏi trái tim mình, tự hỏi lòng mình: “Khi nào ta yêu nhau”. Đó là tâm trạng của em, của bất cứ chàng trai cô gái nào trong tình yêu. Và phải có mối tình đầu mới có câu hỏi ấy. Tình yêu đã đến với em tự bao giờ, nhưng khoảnh khắc thắm lại của hai tâm hồn anhem, đâu phải dễ trả lời. Ông chúa thơ tình Xuân Diệu đã viết:
“Làm sao định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa chi đâu một buổi chiều
Nó biến hồn ta bằng nắng hạ
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”
Tuy không trả lời được câu hỏi “Khi nào ta yêu nhau?” nhưng cái khoảnh khắc thần tiên của mối tình đầu mãi mãi được ghi sâu trong lòng người:
Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên?”
(Thế Lữ)
Sức gợi cảm của hình tượng “sóng” thật phong phú và bất ngờ. Sóng tồn tại trong tạng thái “động”, trong mọi hoạt động không gian “dưới lòng sâu” hay “trên măt nước”, tầng tầng lớp lớp “muôn trùng sóng bể”. Có sóng ngầm và nhấp nhô sóng biếc. Sóng được nhân hóa, được thao thức suốt ngày đêm trong mọi thời gian: “Sóng nhớ bờ”, trong mọi trạng thái: “Sóng không ngủ được”. Sóng được cảm nhận bằng thính giác, bằng thị giác, bằng tri giác và bằng cả tâm hồn. Hình tượng “sóng” càng tở nên thơ mộng gợi cảm:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”.
Cấu trúc song hành, đối xứng: “dưới lòng sâu// trên mặt nước”, “ngày//đêm”, “nhớ bờ// không ngủ được” và điệp ngữ “con sóng” đã làm cho ngôn ngữ thơ cân xứng hài hòa, âm điệu, nhạc điệu thơ nhịp nhàng uyển chuyển, say đắm và ngọt ngào. Nhạc của thơ, vị ngọt tình yêu như được hòa quyện trong không gian, trong thời gian và cả trong lòng người.
Xuân Quỳnh có lúc mượn “thuyền” và “biển” làm ẩn dụ để nói lên nỗi lòng của lứa đôi:
Những ngày không gặp nhau
Sóng bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ”…
(Thuyền và Biển)
Từ hiện tượng sóng nhớ bờ, nữ sĩ liên tưởng đến nỗi nhớ “em nhớ đến anh”, một nỗi da diết, triền miên, bồi hồi khôn kể xiết, cả trong cõi thực và trong cả cõi mơ, ý thức và cả trong tiềm thức:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Sóng là qui luật vận động muôn đời của vũ trụ, đại dương. Tưởng tượng “sóng nhớ bờ” rồi liên hệ, đối sánh với em, với nỗi niềm “lòng em nhớ đến anh”… thật bất ngờ thú vị. Ca dao xưa thường nhắc nhiều về nỗi nhớ của trai gai làng quê. Có nhớ day dứt khôn nguôi: “ Nhớ ai nhớ mãi thế này- Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn”. Có nỗi nhớ bồn chồn, ngẩn ngơ: “ Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ - Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai?”. Có nỗi nhớ bồi hồi: “Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi - Như ngồi đóng lửa, như ngồi đóng than”. Qua đó, ta mới cảm thấy nỗi lòng của em, nhân vật trữ tình trong bài thơ sóng: “Lòng em nhớ đến anh- cả trong mơ còn thức” là sâu sắc, bất ngờ, mới mẻ.
Năm 1962, thi sĩ Xuân Diệu viết bài thơ tình “biển”, trong đó, hình tượng “sóng” là ẩn dụ về chàng trai đa tình yêu say đắm, nồng nhiệt:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”…
Bài thơ “Biển” là một thử thách lớn đối với Xuân Quỳnh. Năm năm sau (1967), bài thơ “sóng” ra đời, ẩn dụ “sóng nói về người phụ nữ, trong mối tình đầu thiết tha, rạo rực và bao hàm nhiều phẩm chất tốt đẹp. đó là sáng tạo, có thể nói là bất ngờ”.
Người thiếu nữ trong bài thơ “sóng” đã “tự hát” về nỗi khao khát được yêu thương, được sống thủy chung trong tình yêu hạnh phúc. Hình tượng sóng gợi lên bao cảm xúc mạnh mẽ, nồng nàn, phong phú và bất ngờ. Sóng thật mãnh liệt. Em thật nồng nàn say mê bởi vì với em “Tình yêu là khát vọng”.'






Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ nhặt” của KIM LÂN

Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân. Truyện kể về chuyện anh cu Tràng nhà nghèo ở xóm ngụ cư đã nhặt được vợ khi nạn đói đang diễn ra kinh khủng, người đói chết đầy đường.
Truyện đã phản ánh nỗi đau khổ, niềm khao khát sống và hạnh phúc của người nghèo, qua đó, nói lên số phận con người trong xã hội cũ, cái đêm trước khi cách mạng bùng nổ. Giá trị lớn nhất của truyện “Vợ nhặt” là giá trị nhân đạo.
Cho đến nay, trong nền văn học Việt Nam chưa có tác phẩm nào viết về trận đói năm Ất Dậu 1945 thật hay, thật xúc động như truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Cảm hứng nhân đạo là cảm hứng xuyên suốt từ đầu đến kết thúc tác phẩm.
Truyện “Vợ nhặt” đã phản ánh nỗi đau khổ tột cùng của nhân dân ta, của người nghèo trong nạn đói năm Ất Dậu. Đọan người từ vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên “xanh xám như những bóng ma” nằm ngổn ngang trên các lều chợ. Quạ đen đậu trên những ngọn cây bay vù lên “như những đám mây đen” trên nền trời. Mùi gây của xác người vẩn lên khắp xóm chợ. Người chết đói như ngã rạ. Sáng nào ba bốn cái thây còng queo bên đường.
Đói và chết đói đâu chỉ riêng ai! Mẹ con Tràng, cái nhà “vắng teo đứng rúm ró” trên mảnh vườn đầy cỏ dại. Cửa nhà là một tấm phên rách. Niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất. Cơ ngơi ấy người ta đã làm cho nàng dâu mới thất vọng “nén một tiếng thở dài”. Bà cụ Tứ “mặt bủng beo u ám”. Anh cu Tràng “bước mệt mỏi”, cái đầu “trọc nhẵn chúi về đàng trước với bao lo lắng chật vật. Đám trẻ con xóm chợ, trước đây tinh nghịch thế, giờ đây chúng nó“ “ngồi ủ rũ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích”. Trước nhà kho trên tỉnh có mấy con gái “ngồi vêu ra”. Đặc biệt nhân vật “thị”, cái đói đã cướp đi tất cả. Không tên họ, tuổi tác. Không gia đình, anh em. Không quê hương bản quán. Hình hài tiều tụy, xơ xác đáng thương. Áo quần “tả tơi như tổ đỉa”. Thị “gầy sọp hẳn đi”, khuôn mặt lưỡi cày “xám xịt”, chỉ còn thấy hai con mắt. Con đường phía trước của thị là vực thẳm, là chết đói. Cái đói đã cướp đi của thị tất cả. Chỉ nghe tràng nói: “muốn ăn thì ăn”, thấy anh ta vỗ vào túi khoe “rích bố cu”, hai con mắt “trũng hoáy” của thị tức thì “sáng lên”. Tình tiết của thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc, trông có vẻ thô lỗ, nhưng không đáng chê, trái lại rất đáng thương. Thị đang đói, thị đã nhịn đói nhiều ngày. Thị cần được ăn. Kim Lân đã rất nhân hậu khi nói về thị, khi nói về sự đói khát của người nghèo.
 Cái xóm ngụ cư càng về chiều càng “xao xác, heo hút”, nhà cửa “úp súp, tối om”, với những khuôn mặt “hốc hác u tối”. Bữa cơm đón nàng dâu mới của bà cụ Tứ là một nồi cháo cám. Người con gái giữa trận đói như một thứ vất đi, có thể “nhặt” được. Thị lấy chồng không một quả cau, một lá trầu. Thị về nhà chồng, đứng trước mẹ chồng, nàng dâu mới “khép nép, cúi mặt xuống tay vân vê tà áo đã rách bợt”. Tối tân hôn, “tiếng khóc tỉ tê của gia đình có người mới chết đói vọng đến thê thiết não nùng”. Sáng tinh mơ, tiếng trống thúc thuế dội lên vội vã, từng hồi. Bằng những chi tiết rất thực và rất điển hình, Kim Lân đã thể hiện tình cảm xót thương, lo âu cho số phận của người nghèo khổ trước hoạn nạn, trước nạn đói đang hoành hành. Đáng quí hơn nữa, ông đã đứng về phía nhân dân, về phía người nghèo vạch trần tội ác của Nhật, Pháp bắt trồng đay, bắt đóng thuế, bóc lột dân ta đến xương tủy, gây ra nạn đói năm Ất Dậu làm hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Truyện “Vợ nhặt” đã biểu lộ một tấm lòng trân trọng đối với hạnh phúc con người. Cách kể truyện của Kim Lân rất hóm hỉnh về tình huống anh cu Tràng nhặt vợ và những tình tiết xoay quanh nàng dâu mới. Chỉ một vài câu “tầm phơ tầm phào” Tràng đãi thị bốn bát bánh đúc thế mà hắn nhặt được vợ. Nhặt được vợ nhưng hắn cũng phải liều “Chậc kệ”!. Hắn nghĩ thóc gạo này nuôi thân còn khó, vậy mà còn “đèo bòng”. Trên đường dẫn vợ mới nhặt về nhà xin phép mẹ già, anh cu Tràng vui như người mở cờ trong bụng. Kim Lân tả đôi mắt và nụ cười của anh cu Tràng khi nhặt được vợ. Tràng “phởn phơ khác thường”. Hắn “tủm tỉm cười nụ”. Hai mắt “sáng lên lấp lánh. Có lúc cái mặt hắn cứ vênh vênh tự đắc với mình”.
Hình ảnh Tràng và vợ đi bên nhau trông “hay đáo để”. Tràng khoe hai hào dầu, rồi cười hì hì, bị thị “phát đánh đét” vào lưng với câu mắng yêu:”khỉ gió”. Tràng nghểnh cổ thổi tắt ngọn đèn con, bị thị mắng “chỉ được cái thế là nhanh. Dơ”. Những tình tiết ấy rất hay. Nó như minh chứng một điề rất chân tình, tình người xóa đi đau khổ và chết chóc.
Cảnh mẹ chồng gặp nàng dâu mới thật cảm động. Vượt qua phong tục tập quán ăn hỏi cưới xin, chẳng có dăm ba mâm, bà cụ Tứ thương người đàn bà xa lạ, lại thương con và thương mình, bà nhận nàng dâu mới: “Ừ, thôi thì các con đả phải duyên phải kiêp sống với nhau, u cũng mừng lòng”. Tình thương cùa bà mênh mông, bà nghĩ “người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. Bà dịu dàng yêu thương gọi nàng dâu mới là “con”. Lòng đấy thương xót, bà bói với hai con: “năm nay thì đói to đấy. chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…”. Qua đó, ta càng hiểu sâu hơn về cái lẽ đời. Nhân dân nghèo khổ thường đứng trước tai họa, họ đã dựa vào nhau, san sẻ tình thương, san sẻ vật chất cho nhau để vượt qua mọi thử thách, hướng tới ngày mai với niềm tin và hi vọng: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời…”. Người đọc cảm thấy, ngọn đèn “vàng đục” chiếu sáng trong mái lều đêm tân hôn của vợ chồng Tràng là ngọn đèn hi vọng hướng tới hạnh phúc ấm no.
Bữa cháo cám đón nàng dâu mới là một chi tiết mang giá trị nhân đạo tiêu biểu trong truyện “Vợ nhặt”. bà cụ Tứ gọi là “chè khoán… ngon đáo để”. Bà tự hào nói với hai con là “xóm ta khối nhà chả có cám mà ăn đấy”. Trong bữa cháo cám, bà toàn nói chuyện vui sướng về sau này. Cảnh gia đình mẹ con vô cùng “đầm ấm hào hợp” hạnh phúc”. Sau này, vợ chồng con cái Tràng, có thể có nhưng bữa con thịt cá ngon lành hơn, nhưng họ có không bao giờ có thể quên được bữa cháo cám buổi sáng hôm ấy. Vị cháo cám “đắng chát” mà lại ngọt ngào chứa đựng bao tình thương của mẹ. Kim Lân sống gần gũi với người nhà quê, ông hiểu sâu săc tình cảm của họ. Ông đã làm cho thế hệ mai hậu biết cái “đắng chát” trong cuộc đời ông cha, cảm nhận được cái hương đời, cái tình thương của lòng mẹ,…mà không một thứ cao lương mỹ vị nào có thề sánh bằng?.
Kim Lân đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất, nồng hậu nhất về sự đổi đời của người dân cày Việt Nam. Mừng cho anh cu Tràng có vợ, bọn trẻ con tinh nghịch reo lên: “chông vợ hài”. Việc Tràng có vợ, dân ngụ cư xóm chợ cảm thấy “có một cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tối tăm của họ”. “Bà cụ Tứ vui sướng vì con trai có vợ, bà như trẻ lại, nhẹ nhõm, tươi tỉnh”, “rạng rỡ hẳn lên”. Vợ Tràng trở thành người đàn bà “hiền hậu đúng mực”. Tràng như từ một giấc mộng bước ra. Anh ngủ dậy cảm thấy “êm ái lửng lơ”. Hạnh phúc quá thật bất ngờ. Việc hắn có vợ sau một ngày một đêm mà “hắn vẫn ngỡ ngàng như không phải”.
Sự đổi mới còn được thể hiện ở cảnh vật. Mẹ và vợ Tràng đã dậy sớm, quét tước thu dọn lại nhà cửa, sân ngõ. Tiếng chổi quét sàn sạt. Hai ang nước được kín nước đầy ắp. Đóng rác mùn tung hoành ngay cả lối đi đã được quét dọn sạch sẽ. Mẹ chồng, nàng dâu mới vá anh tràng, ai cũng muốn góp phần sửa sang tổ ấm của mình cho sạch sẽ. Họ không nghĩ đến cái chết mà hướng về sự sống, về hạnh phúc và sự đổi đời. Tràng cảm thấy hắn đã “nên người”, hắn thấy mình phải có bổn phận lo lắng cho gia vợ con sau này!
Một chi tiết rất hay là vợ Tràng sau khi nghe tiếng thúc thuế đã báo tin ở mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không nộp thuế, người ta phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Còn anh cu Tràng thấy trong óc mình “lá cờ đỏ bay phất phới”. Cách mạng sắp đến. nạn đói sẽ bị đẩy lùi. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng ở cuối truyện không những tô đậm thêm giá trị nhân đạo mà còn tạo nên âm hưởng lạc quan đầy chấn động, nó như một dự cảm về ngày mai ấm no và hạnh phúc.
Hạnh phúc của Tràng và niềm vui của mẹ già tuy muộn nhưng đáng quý và đáng trân trọng biết bao! Cổ kim đông tây đã có ai có vợ giống như Tràng: “nhặt vợ”. Cái đói do bọn Pháp-Nhật gây ra đã cướp đi tất cả, tính mạng và nhân phẩm của con người. Một sự thật được khẳng định: Niềm khao khát tình yêu và hạnh phúc khao khát sống mạnh hơn cái chết. Cái vị đời ngọt ngào và tình người ấm áp đã tỏa sáng giá trị nhân đạo của truyện “Vợ nhặt” mà ta trân trọng. &



DÀNH TẶNG MẸ

Mỗi người trong chúng ta không ai là không có mẹ. Tình thương của Mẹ dành cho chúng ta mỗi người mỗi khác nhưng cái chung mà tất cả chúng ta đều thừa hưởng được từ Mẹ là những hy sinh vô bờ bến để nuôi con khôn lớn.Bất kể ở đâu, bất kể hoàn cảnh nào thì tình yêu ấy cũng không bao giờ thay đổi.
Sau đây xin mượn bài thơ này kính thành dâng Mẹ!!!!

CÓ MỘT NGÀY BẠN NGHĨ VỀ MẸ

WELCOME TO BLOGPOST TO ME

Chào mừng các bạn đến với trang blog của tôi.
Tôi tên: Nguyễn Minh Thái, hiện là sinh viên năm 4, ngành sư phạm ngữ văn.
Quan điểm của tôi: đã không làm thì thôi, nếu đã làm thì làm cho tới.
Tôi không thuộc loại người dễ tính nhưng chẳng khó khăn với bất kí ai. Ở tôi, miễn mình cảm thấy OK thì cứ làm.
hân hạnh đón tiếp những đóng góp của các bạn!!!!