Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

BÀN VỀ GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU THUYẾT "MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA" CỦA NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG

Tiểu thuyết:
MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA
NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG
I.                  GIỚI THIỆU CHUNG
Năm 1986 là dấu mốc quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và đời sống văn học nghệ thuật nói riêng. Đây là thời điểm ghi nhận sự đổi mới tư duy trên các lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật. Trong bầu không khí cởi mở dân chủ của đời sống văn học đã tác động mạnh mẽ đến chủ thể sáng tạo với quan niệm mới về nhà văn, đến sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người, đến sự thay đổi thi pháp thể loại của các thế hệ nhà văn Việt Nam. Từ lớp nhà văn tiền chiến như Chế Lan Viên, Tô Hoài đến những cây bút hậu sinh như Bảo Ninh, Võ Duy Anh…trong đó Nguyễn Khắc Trường được xem là ngôi sao sáng giá nhất. Tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” ra đời năm 1988 đã mang lại cho nhà văn một tiếng vang lớn trên văn đàn với lối viết độc đáo theo khuynh hướng nhận thức lại. Bên cạnh đó, tác giả đã kế thừa, làm phong phú và khai thác sâu hơn giá trị văn học truyền thống và tiếp thu các yếu tố kỳ ảo, trào lộng, bi kịch trong kho tàng văn học quá khứ của dân tộc. Không chỉ có thế, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” cũng đã tiếp thu tinh hoa văn học thế giới như các khuynh hướng, trào lưu lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, phi lý,… tạo nên tính đa thanh, đa giọng điệu cùng sự đa dạng, độc đáo trong nghệ thuật trần thuật và cấu trúc tác phẩm.
Quyển “Mảnh đất lắm người nhiều ma” đã đem lại danh tiếng cho Nguyễn Khắc Trường khi tác giả đang sang tuổi 44 (sinh năm 1946). Đối với các nhà văn khác đã nhận định và có thể ngay chính tác giả thì trước đó mấy năm chưa có một tác phẩm nào có độ chín nhất định về cảm nhận đời sống và nghề văn như “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Nguyễn Khắc Trường bước vào làng văn năm 20 tuổi, khi đó tác giả đến với bạn đọc bằng bút danh rất ư gần gũi: Thao Trường. Đã từng tham gia vào Quân chủng Phòng không- Không quân, người lính kỹ thuật-nhà văn Thao Trường này đã viết nhiều tác phẩm cho “Tạp chí Văn nghệ Quân đội” từ đó đã khẳng định tên tuổi mình trên văn đàn. Mãi đến “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, đây là quyển tiểu thuyết nhà văn đặt nhiều tâm huyết và đã thành công với vốn kiến thức sâu sắc về nông thôn Việt Nam. Bằng cả tấc lòng yêu quí người nông dân Việt Nam, Nguyễn Khắc Trường đã đào sâu và hết mình cho công trình miệt mài này. Lấy không gian ở vùng quê tỉnh Thái Nguyên cụ thể ở làng Bến Chùa, Nguyễn Khắc Trường đã thể miêu tả đời sống nông thôn Việt Nam sau 1975 với những xung đột cụ thể của hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình. Từ đó khái quát thành nhiều mâu thuẫn nội tại đang chồng chéo lên nhau.
     Không gian của câu chuyện là địa bàn nông thôn ven sông Công (Thái Nguyên) trong thời gian năm 1988, khi mà Việt Nam đang bắt đầu thời kỳ đổi mới.
     Bối cảnh câu chuyện  xảy ra ở làng Giếng Chùa nơi mà “ người ta có thể nhịn ăn nhịn mặc để xây một căn nhà gạch, sắm một cái xe, có khi cả xe máy, mua đài, mua cát sét rồi mở ỏm tỏi suốt ngày để được “mở mày mở mặt” với xóm làng. Nơi vùng quê bề ngoài rất yên tỉnh này, vừa có những người ngơ ngác dại khờ, những người thật thà như đếm, nhưng cũng lại là những kẻ để mưu ma chước quỷ, không mấy lúc ngồi yên và cũng không để cho người khác ngồi yên. Cũng có đủ cảnh bon chen để giành một cái ghế ngồi không to hơn cái vẩy ốc, chen một chỗ đứng không cao hơn cái đế dép thường ngày. Cũng có đủ những thì thầm thì thụt, cũng xúi bẩy, kích động, cũng ném đá giấu tay; cũng cười bả lả chạm cốc nhau lanh canh trong những bữa tiệc đồng chí, nhưng trong bụng lại thầm rủa sau bữa rượu này mày sa chân lỡ bước chết dấp đi cho rãnh”. Nơi đây có hai dòng họ đấu đá nhau để tranh giành đất đai, quyền lực đại diện là: họ Vũ Đình và họ Trịnh Bá. Thuở xưa, trưởng họ Vũ là ông Đại đã thắng trưởng họ Trịnh là ông Hoành, làm nhà ông Hoành sạt nghiệp. Họ Trịnh còn nghi ngờ rằng họ Vũ đã bôi đen, rạch nát mặt hổ thờ của họ, nên  vô cùng căm tức và mối thù càng dai dẳng đến các đời sau.
     Và mối hiềm khích ngày một tăng lên khi đến đời ông Vũ Đình Phúc (trưởng họ Vũ Đình) với ông Trịnh Bá Hàm (trưởng họ Trịnh Bá). Bởi vì bà Son (vợ ông Hàm) trước khi về làm dâu nhà họ Trịnh Bá thì đã có quan hệ léng phéng với ông Phúc. Cô Son lúc ấy đã dâng hiến trọn vẹn tình yêu và đời con gái cho Phúc dù vẫn biết Phúc đã có vợ là bà Dần. Vì Phúc nhát gan không dám thừa nhận nên bà Son bị bố mẹ ép gả cho Hàm (có biệt danh Hàm thọt). Sau khi cưới nhau, Hàm phát hiện ra vợ mình đã bị mất trinh khiến cho bà Son vì cớ đó sợ hãi phải sống như một cái bóng, tự coi mình là con tôi đòi trong nhà để đổi lấy việc Hàm để cho mình sống yên ổn trong nhà. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến Hàm rất thù Phúc. Ngoài ra còn mâu thuẫn quyền lực khi ông Thủ là em ông Hàm làm bí thư xã, còn cánh nhà ông Phúc thì mất quyền.
     Thế nhưng, trớ trêu thay giữa hai dòng họ đã phát sinh một mối tình của Tùng (con trai bà Sang – họ Vũ Đình) và Đào (con gái ông Hàm). Mối tình của họ thấm thiết nhưng cả hai vẫn giấu kín vì sợ hai bên gia đình không cho phép. Khi ông Đại chết, ông Hàm theo lời bố dặn đã đi quật mả ông Đại để yếm bùa dòng họ Vũ Đình. Nhưng do Tùng đang tình tự với Đào đã bắt gặp, nên Tùng đã chạy về báo cho cả họ biết. Ông Hàm bị bắt quả tang, giam ở xã về tội xúc phạm vong linh người đã khuất. Lúc này Đào phát hiện Tùng đã báo với dòng họ bắt bố mình, cô quyết định chấm dứt tình cảm với Tùng mặc dù anh còn đang yêu Đào tha thiết.
     Thủ sợ phen này cả họ Trịnh đi xuống, cả sự nghiệp của ông cũng mất theo, nên bày kế cho bà Son dụ ông Phúc vào bụi rậm nói chuyện trong đêm tối, sau đó Thủ và Cao xuất hiện vu cho ông Phúc quan hệ bất chính với bà Son. Bị uy hiếp ông Phúc phải thôi kiện, ông Hàm được thả. Không dừng lại ở đó, Thủ và Cao còn ép bà Son viết đơn tố cáo ông Phúc có ý đồ xấu với mình. Chú cháu Thủ, Cao còn lơi dụng mượn tên ông Phúc đã sờ soạng bà Son lúc tối để bà Son lu loa là nhà họ Vũ làm nhục. Thế nhưng bà Son quá uất ức, không lu loa mà ra sông tự tử. Người vớt được bà Son lại là ông Phúc.
     Ngoài ra, truyện cũng mô tả những chuyện rắc rối "quanh lũy tre làng" thông qua những quan hệ phức tạp, và những nhân vật rất thú vị khác như cặp tình nhân ông Quản Ngư - bà Đồ Ngật, hay chuyện Tám lé cố ngóc đầu lên khỏi cuộc sống bí bách, hay những hành vi bất nhân của ông Phúc với chính bố mẹ, anh em của mình trong Cải cách ruộng đất. Câu chuyện cũng bị che phủ bởi những "bóng ma", từ huyền thoại ma ám của nhân vật Quỳnh - Quềnh cho đến sự hiện diện của một thầy mo - cô Thống Biệu.
     Chuyện tiếp theo là việc chia đất ruộng ở xã, các phe đấu đá nhau chí tử để tranh đất tốt, do vậy mới có "Mảnh đất lắm người nhiều ma" như cô Thống Biệu đã nói: "Đừng tưởng đất này đã hết ma. Ma còn đang đẻ sinh đôi sinh ba nữa cơ đấy! Các vị có nhớ hôm trước hợp tác họp để đòi chia ruộng khoán không? Cứ như cuộc chọi gà, chọi trâu ngày xưa! Chả ai chịu nhả miếng nào. Cả làng có mỗi xứ Đông Chùa là xứ thượng đẳng điền, thì từ ông cán bộ đến bà xã viên, ai cũng muốn vơ giật về mình. Có đời thuở nào anh em ruột cũng cãi nhau, tranh nhau đất hương hỏa ngay ở đấy. Vợ chồng ông Tý Hỏi mới kinh, bỏ nhau mỗi người một niêu, hợp tác giao ruộng, ai cũng tranh thửa tốt. Vợ chồng thách nhau giữa làng: Mày mà làm ông phá. Mấy bà đòi ruộng cũ không được thì bù lu bù loa lên, cứ nhao nhao như chào mào ăn dom! Xưa nay người ta chỉ sợ người chết chứ ai sợ người sống,có đúng không hở? Chỉ sợ ma chứ ai sợ người, có phải không hở? Thế mà hôm ấy tôi đi nhận ruộng hộ con cháu, thấy hốt quá. Nhìn chả thấy người đâu, toàn ma. Những người thân  ngồi đấy mà cấm còn nhận ra ai nữa."
     Tác phẩm kết thúc dang dở khi những mâu thuẫn bắt đầu được hạ nhiệt. Tuy nhiên những bóng đen hắc ám bắt đầu lộ ra mặt và đã dạy cho Tùng một “bài học” với những cú đấm đá túi bụi vì tội dám đấu tranh sa chữa sai lầm trong nội bộ Đảng viên. Mối tình Tùng - Đào bắt đầu có tín hiệu tốt đẹp và kết thúc bằng việc nhân vật Minh lặng lẽ khóc sau khi làm cầu nối hòa giải cho hai người.
II. NỘI DUNG “MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA”
1.Bức tranh văn hóa làng quê trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma”
1.1 Bức tranh làng quê với những câu chuyện li kì và những tín ngưỡng dân gian
 Đọc tác phẩm, chúng ta nghe có vẻ gì đó rờn rợn, thảm thương khi chứng kiến đời sống con người đang vật vờ trước cái nghèo đói. Vẫn là không gian về làng quê Việt Nam, vẫn là đề tài viết về người nông dân_một đề tài vốn đã rất quen thuộc với người đọc. Tuy nhiên, trong cái làng Giếng Chùa này không giống như cái làng Đông Xá trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố hay làng Vũ Đại trong “Chí Phèo” của Nam Cao mà ở đây nó là một không gian rộng đan xen với những yếu tố kì ảo, hấp dẫn qua những chuyện li kì. Không gian là đồi ông Bụt. Đồi ông bụt đầy ma quái này đã ám ảnh toàn bộ dân cư ở Giếng Chùa với rừng “rậm um tùm,..có hổ báo, vượn trắng, rắn đầu vuông màu đỏ chon chót như mào gà, và đặc biệt là nhiều ma..thấy một người đàn ông đi trước mình chỉ mươi bước chân, dáng đi lại ve vẩy như đàn bà, trông chậm mà không tài nào nghe kịp”[10]. Bức tranh đồng quê hiện lên với những nét vẽ ghê gợn đầy tính ma mị, duy tâm. Có một vấn đề mà người đọc lấy làm tâm đắc khi nhà văn miêu tả đời sống nông thôn Việt Nam luôn có những xung đột mang dự báo tiềm ẩn. Vẫn là không gian của làng, không gian của cánh đồng trải dài bất tận,.. nhưng ở đấy không yên bình mà dự báo những bi kịch cụ thể. Ban đầu là một vườn nhãn, nơi mà Đào và Tùng hò hẹn. Đây là một khoảng không rộng và phủ đầy bóng tối với những tiếng côn trùng rả rích; tiếp đó là không gian trước nhà phơi lúa ở nhà Hàm, Phúc, bà Cả, nơi mang đặc tính làng quê nông thôn là cảnh mọi người gặt lúa với những câu chuyện tán gẫu với nhau. Chi tiết trong tác phẩm khi bà Son bỏ nhà đi mất cả đêm và mọi người đổ nhau đi tìm dẫn đến chuyện ẩu đả lời qua tiếng lại giữa cô Cành, con gái bà Cả và bà Dần, vợ ông Phúc. Hay không gian ở Đồng Chùa với những cảnh hỗn loạn huyên náo, tranh giành ruộng đất của hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình. Có thể thấy, trong từng không gian nông thôn mà tác giả miêu tả thì đâu cũng toàn là tiếng khóc và sự chết chóc. Vấn đề mà người đọc đặt là ở một không gian làng quê như thế đáng ra phải yên bình, vậy mà những bi kịch đời sống lại đổ xô diễn ra. Phải chăng không gian “trần thế” đã không yên ổn đang tạo điều kiện cho không gian “địa ngục,” không gian bóng tối” “vượt rào”. Vì vậy, những câu chuyện về đồi ông Bụt vẫn là một chấm chấm cảm bỏ lửng. Với những câu chuyện dân gian và nhiều bi kịch đẫm nước mắt, đồi ông Bụt là một không gian xâm chiếm thế giới tâm linh của người dân Giếng Chùa, một vùng đất nhỏ “tính từ phía bắc xuống là đại danh cuối cùng của miền đất trung du”.
Có thể thấy, khi miêu tả về không gian của đồi ông Bụt, tác giả thường sử dụng thủ pháp của nghệ thuật điện ảnh là miêu tả bóng tối. Một khoảng không rộng ngập tràn bóng tối chứa đầy những tiềm ẩn trắc trở. Chính trong không gian tăm tối đó, con người ngật ngưỡng bước ra với những hình thù kì lạ. Đó là anh Quềnh, một con người kì lạ qua những câu chuyện bi hài mà đôi lúc người nghe của phải sởn tai gai óc. Ban đầu là một anh chàng trẻ tuổi tên Quỳnh “tuổi mười bảy. Mặt mũi thô vụng thật thà” nhưng sự kiện làm tình nhân với ma nữ ở đồi ông Bụt đã “đăng nhập” cho Quỳnh một tên mới: Lão Quềnh. Người ta gọi thế xem như lão đã thay tên để sống với người trần thế thêm một lần nữa cũng như một điềm báo cho cái tên Quỳnh đã mất đi. Lão có những hai tên khi sống và được chôn đến hai lần khi chết chỉ vì danh dự của người trần thế. Bức tranh ma mị hiên lên khi tác giả miêu tả cái chết của lão Quềnh làm người đọc phải ngạc nhiên và chở một cảm xúc buồn bã. Cuộc đời của lão thật buồn và khi chết chỉ tạm bó theo một cái chiếu rách. Thảm. Xót. Và ghê gợn khi người ta đào xác lão lên. Trong cái không gian kì ảo nửa hư nửa thật và tăm tối của đồi ông Bụt, người ta làm một hành động đáng ra không nên làm: Quật mộ. Hình ảnh “toàn thân lão Quềnh trương phình lên, nước thấm ra dấp dính như cá ướp, mặt như phù thủng, to và phình như đọng nước”. [48]. Thật đáng thương và thật rùng rợn. Không những thế, không gian ma mị còn phảng phất theo một dạng thức gọi hồn nhập xác mà người đại diện là cô Thống Biệu. Cô thống Biệu làm nghề thầy cúng thì “đi đứng ẽo ợt, nói giọng kim, râu ria chả có và cái ăn cái uống cũng giống đàn bà con gái hơn là đấng mày râu”, “bộ mặt nhỏ và nhọn như mặt chim, nước da mai mái” nhưng lại là người thấy được ma, giao tiếp được với ma, tới mức hôm đi nhận ruộng cô thống “nhìn chả thấy người đâu, toàn  ma!”. Ở con người này đã đem đến đức tin cho người dân tại Giếng Chùa. Cô là dấu gạch nối giữa cõi trần và cõi âm. Vì vậy, cái mà người đọc nhìn nhận ở con người này là lời tiên tri. Số lượng câu chữ miêu tả về con người này hầu như rất ít ỏi nhưng nếu liệt kê lại ta có cảm giác nhân vật thoắt ẩn thoắt hiện như một tay thần thánh. Chi tiết cuối tác phẩm khi cô Thống nhận thấy mình cần phải “trở về” với nơi mà mình sinh ra và đã dọn dẹp nơi phụng cúng của mình sạch sẽ. Hành động mang một điềm báo lợi hại mà Nguyễn Khắc Trường đặc tâm miêu tả. Khi người sống đang dần “san lấp” mảnh đất của ma quỷ với những mưu toan ghê sợ thì người như cô có sống cũng sẽ trở nên thừa thải. Cô thống chuẩn bị ra đi có những lời trăng trối trước đứa cháu nội nhỏ tuổi và đem đồ nghề của mình “gửi lại” cho thần nước là những bát hương. “Với cô thống, mỗi bát hương là một vị thần được sinh ra từ đất, bây giờ các vị sẽ được tắm rửa bụi trần, rồi dòng nước mát sẽ đưa rước các vị quay trở lại với đất, trở về nguồn của mình! Các vị về trước rồi đệ tử các vị - cô thống sẽ về sau” [258]. Phải chăng đó là lời tiên tri mà Cô Thống tiên đoán được cái chết của mình, và đã bó tay không thể trị nổi những “con ma đa dạng” ở Giếng Chùa. Sau cái chết của cô thì những câu chuyện li kì lại được diễn ra. Người ta không những lợi dụng cái chết để phô trương thân thế, danh dự mà còn khẳng định sự tồn tại của mình. Như muốn chứng tỏ là một con sen chung thành với chủ, chị Bé nhanh chóng hóa thân vào vai của một Cô Thống Biệu. Được cô trao “y bát”, chị Bé nhập vai “lên xác” của bà Son với những lời nói trực chờ và hứa hẹn. Có thể thấy hàng loạt những câu chuyện li kì được tác giả miêu tả trong tác phẩm sẽ không hay bằng câu chuyện của chị Bé. Theo suy nghĩ cá nhân, câu chuyện của chị Bé rất hấp dẫn. Nó li kì với con người Giếng Chùa vì cô Thống Biệu không “hoàn toàn ra đi” mà đã có người kế thừa. Thế là dân làng Giếng Chùa sẽ được an ổn. Nhưng cái chua chát nhất sau sự kì ảo li kì kia một một thủ đọan mê hoặc, che mắt của những người cầm cân nảy mực đang muốn lợi dụng những người như chị Bé. Phải chăng nhờ thế mà Thủ có cái nhìn khác về chị Bé khi chị ngoan ngoãn vâng lời như một đày tớ trung thành “Dạ thưa ông, mong hai ông cứ yên tâm, em sẽ cố sức để giải cơn hạn cho hai ông. Ngày mai khi đồng nhập, lời của me chỉ ám chỉ vào những người ngoài họ. Còn những người trong họ thì em sẽ…nhắc mẹ con bà Cả đừng để ai xui ai dại”.[291]
Ngoài những câu chuyện li kì hấp dẫn thì tín ngưỡng dân gian là một nét đặc sắc của bức tranh văn hóa làng quê trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma” này. Có nhiều chi tiết thể hiện văn hóa tín ngưỡng địa phương rất rõ rệt nhưng đặc nét nhất là chi tiết đám tang và quật mộ ông Đại. Những lời kệ xuất hiện trong tác phẩm mang dấu ấn dân gian khá thú vị. Người ta quan niệm về chín suối và sau khi chết con người cần phải có thuyền để trở về. Trong đám tang của ông Đại, ngoài những hỗn tạp âm thanh của tiếng trống kèn, tiếng khóc thì lời thống thiết kêu van của trưởng phường phát âm cứ vang mãi không dứt:
“Ới ơi…hôm nay ông đã đến đây rồi
Ông đà khuất núi về nơi suối vàng
Đất dày cách biệt dương gian
Mấy lời nhắn nhủ ông về ngàn thu
Ới ơi! Nơi ấy mịt mù
Gặp người chớ hỏi trước
Gặp sông hãy lôi sau
Thấy thuyền xanh không xuống
Chờ thuyền nhỏ qua mau” [27].
Có thể thấy, văn hóa tín ngưỡng dân gian làm nên giá trị kì ảo cho tác phẩm. Qua hành động quật mồ ông Đại với những kế hoạch cụ thể của Hàm đã thừa kế một tín ngưỡng nhân gian nhất định. Với Hàm, quật mồ ông Đại không những trả nợ món thù đã gieo mà còn gởi gắm một lòng tin vào một tôn giáo nào đó. Hàm muốn “đục thẳng vào cấy nóc nhà nó (nhà Vũ Đình)…yểm cho cả nhà nó không ngóc đầu lên được! đào lên lấy ván, lật sấp bố nó xuống! còn cổ đỗi tôi sẽ đóng một sa-lông thật mốt, rồi tìm cách bán cho an hem họ hang nhà nó”[56]. Hàm tin tưởng vào thuật âm trị dương này và đây là dấu vết tín tưởng dân gian mà Hàm đã tiếp thu được. Từ đức tin như thế, Hàm sẵn sàng đánh đổi và làm tất cả. Qua những kế hoạch đã được định sẵn và cả việc lựa chọn người thực hiện, với Hàm đó là một việc hệ trọng. Chi tiết đến trước mộ ông Đại, Hàm khấn vái mang dáng vẻ của một nhà cúng bái chuyên nghiệp. “Lạy thần thành Hoàng, giờ con xin được cải mả, lật sấp thi thể họ Vũ Đình xuống, để đưa quả báo này tới chốn dương gian, bắt họ Vũ Đình phải chịu:
“Ba đời tuyệt tự
Hữu nữ vô nam
Hữu sinh vô dưỡng”….[77]
Chỉ cần kiểm tra nội dung khấn vai ta cũng thấy được dáng vấp tín ngưỡng dân gian trong chi tiết này. Họ tin những thủ tục cúng bái và hành động quật mồ mả ông cha kẻ thù có thể làm cho dòng họ kẻ thù phải điêu đứng, thậm chí phải suy vong. Bức tranh tín ngưỡng dân gian sau lũy tre làng thật phong phú và đa dạng. Đọc tác phẩm, chúng tôi cảm nhận được sự hả hê của Hàm khi đang mãn nguyện trước những mưu toan của mình với kế hoạch quật mồ ông Đại như thế nào. Phải chăng, cái mà người đọc nhìn rõ được là chính con người tạo ra tín ngưỡng dân gian để thờ cúng, để lưu truyền và tác tạo một nền tín ngưỡng đa dạng mà bây giờ lại trở thành công cụ để con người trọng danh dự, tỵ hiềm như Hàm lợi dụng để trả thù. Có nhiều ý kiến xoay quanh tác phẩm này, nhất là khi bàn về phong tục tín ngưỡng ở nông thôn Việt Nam và đã có nhiều độc giả nhận định “Mảnh đất lắm người nhiều ma” là tác phẩm nồng nặc tín ngưỡng dân gian và thậm xưng cả mê tín dị đoan. Chi tiết bà Son về “nhập xác” chị Bé và trăng trối bằng những lời “trấn an” bà Cả và ông Hàm làm cho mọi người dường như chết lặng đã gợi cho người đọc một suy nghĩ nhất định. Phải chăng, khi con người đã mất đi thì người sống có thể “giả ma giả qủy” để lừa lọc và chiếm lòng tin của người sống. Chị Bé đã lợi dụng mê tín dị đoan để nhập hồn lên xác đánh lừa mọi người và ngay cả Thủ là một con người đa mưu túc trí cũng bị bị lừa nốt. Nhờ thế mà chị Bé có cơ hội đổi ngôi, đổi đời và danh chính thuận ngôn bước vào nhà ông Hàm thay thế vị trí của bà Son. Những chi tiết kì ảo trong tác phẩm xuất hiện không sao kể xiết nhưng khi gấp lại từng trang sách thì vấn đề mà người đọc bùi ngùi đặt ra cho cuộc đời vẫn là cuộc sống. Nếu đời sống tư tưởng không được cải tạo thì con người sẽ mãi mãi lún sâu vào những tín ngưỡng vô căn cứ và thậm xưng vì những quyền lợi cá nhân cho những người tai to mặt lớn mà thôi.
1.2 Bức tranh làng quê với phong hóa tang ma
Lấy bối cảnh là một làng quê nhỏ bé của xóm Giếng Chùa nhưng tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” lại xuất hiện rất nhiều cái chết với những phong tục tang ma cổ hủ và vô cùng lập dị. Từ những cái chết như có sự sắp đặt sẵn của cụ Vũ Đình Đại, cô Thống Biệu đến cái chết đột ngột của lão Quềnh, bà Son; tất cả đều cùng phản ánh một sự day dẳng của những hủ tục lạc hậu, kì quái.
Đọc tiểu thuyết, ta thấy dường như đằng sau mỗi đám tang của người chết là những sự tính toán, lợi dụng và xét cho cùng thì những người chết đến khi nằm trong nấm mồ thì vẫn còn là nạn nhân của những cuộc đấu đá, tranh chấp, mâu thuẫn giữa những người nắm quyền trong xóm Giếng Chùa.
Tất cả điều đó được thể hiện rõ nhất trong đám tang cụ Vũ Đình Đại. Đám tang cụ Đại là đám tang bộc lộ đầy đủ nhất nhiều phong hóa tang ma và tiêu biểu cho cái chết của người có địa vị và giàu có trong làng. Sự “khoa trương” tang lễ để khẳng định quyền lực và bề thế của ông Phúc đã vô tình biến cái chết của cha mình thành một buổi tiệc lố lăng và là nạn nhân cho nhiều kẻ lợi dụng phong hóa, tín ngưỡng để thu lợi. Đám tang Vũ Đình Đại được chuẩn bị vô cùng chu đáo và “long trọng” qua lời phát biểu chuẩn bị tang lễ của ông Phúc: “Họ nhà ta là họ lớn trong làng, nên phải làm tang cho cụ Cố thật đàng hoàng, không nề hà tốn kém. Áo quan sẽ xuất gổ dổi vẫn trữ sẵn chứ không thể dùng gỗ tạp. Rồi nhà ông sẽ ngả một con lợn hơi một tạ, còn anh em con cháu có thế nào đóng góp tùy ý. Ông sẽ mời đội kèn, mà phải là phường bát âm lớn theo đúng nghi thức cổ truyền. Đội kèn sẽ chia làm hai nhóm. Một nhóm ngồi trong nhà, gần linh cữu. Còn một nhóm ở bên ngoài với nhiệm vụ khi các đoàn thể của làng, của xã đến viếng thì nhóm này ra tận cổng nổi kèn nổi trống đưa đoàn vào để tăng thêm phần trọng thể, phải có người nhà trực bên ngoài để hướng dẫn từng đoàn vào thứ tự. Phải có người ngồi ghi chép những ai mang đồ phúng viếng đến, để sau này người ta có đám, mình còn nhớ phúc đáp lại. Rồi thì phải dựng sạp, kê bàn ghế, mượn thêm mâm bát…” Những tiếng khóc thì dường như luôn phụ họa không dứt cho đám tang “người kêu bố, người gọi ông, kẻ réo bác, réo chú, cứ ời ời!” nhưng khi nghe lệnh ông Phúc bảo im lặng là “ngưng bặt như những chiếc loa bị ngắt điện”.
Nhưng tất cả sự “long trọng” đó chỉ là nơi để những người đói lợi dụng đến kiếm thức ăn. Và đáng mỉa mai nhất là tục lệ cầu hồn trong đêm bằng “một chiếc thuyền bằng chiếc diều sáo của trẻ con” để “đưa linh hồn người khuất về nơi chín suối”. Đó là công cụ để trưởng phường bát âm thu tiền cho đầy thuyền cầu hồn mình đang bơi. Tác giả đã miêu tả khá chua cay: “Trưởng phường bát âm càng nhiều bài cầu lâm ly, thì tiền của con cháu tang chủ bỏ vào thuyền càng nhiều. Một đêm cầu hồn có đội kèn đã vớ hàng bị tiền, tươm bằng mấy cha con ông lái đò chèo thuyền thật ở ngoài bến song kia!”.
Đối lập hoàn toàn với đám tang đầy đủ lễ nghi của Vũ Đình Đại, là cái chết đột ngột và đáng thương của lão Quềnh. Nếu như sự ra đi vĩnh viễn của cụ cố được chuẩn bị chu đáo, đàng hoàng thì cái chết của lão Quềnh lại cô đơn, thô thiệt và thảm thương đến tội nghiệp. “Lão Quềnh bị vỡ dạ dày vì ăn quá no rồi làm việc nặng ngay”. Và nếu chiếc quan tàu của Vũ Đình Đại là một chiếc quan tài đắc giá “để mộc không sơn, chỉ bào nhẵn, màu gổ dổi vàng ươm trông còn nổi hơn cả sơn” và dày đến nỗi khi đem chôn, “tám thanh niên trai tráng phải bậm môi khi khiêng”  thì lão Quềnh chỉ được quấn chiếc chiếu rồi bốn người khiêng đi lặng lẽ trong bóng chiều chạng vạng. Mộ lão Quềnh là những mấm đất được “lấy đòn đập bàm bạp vào hai bên sườn mộ”. Và điều kỳ dị nhất là xưa nay việc “chôn xuống rồi lại moi lên là điều cấm kỵ” nhưng vì những cuộc tranh chấp, đấu đá, thưa kiện lẫn nhau mà lão Quềnh lại không được nằm yên trong nấm mồ nhỏ bé của mình “Để được nằm trong bộ áo quan, nghĩa là được chết bình đẳng như những người chết khác, lão phải vui lòng nhận thêm một sự vất vả khi đã nhắm mắt xuôi tay. Nghĩa là lão phải hy sinh một lần nữa để cứu danh dự cho những người khác đấy”.
Ngoài ra còn xuất hiện cảnh đám tang bà Son. Đám tang của bà được tổ chức một cách sơ sài để phù hợp với phong tục: “người chết bất đắc kỳ tử ở ngoài nhà thì không được đưa vào khỏi giọt gianh để tránh trùng họa”. “Thành ra đám tang người đàn bà vẫn được tiếng là xinh đẹp và sung sướng nhất làng, lại thật đơn giản, chóng vách, đúng là chết theo đời sống mới, nhanh!”.
Gần cuối tác phẩm là cái chết được báo hiệu trước của cô Thống Biệu, cái chết thể hiện sự đeo bám dai dẳng của những tín ngưỡng, hủ tục lạc hậu tại xóm Giếng Chùa.
1.3 Bức tranh làng quê với mâu thuẫn họ tộc
Hầu hết những bài phê bình Mảnh đất lắm người nhiều ma đều khắc đậm vấn đề họ tộc đời sống nông thôn Việt Nam. Nhưng rõ ràng không phải nông thôn việt Nam đầu thế kỉ 20. Những “sự kiện” ở xóm Giếng Chùa diễn ra trong bối cảnh nông thôn đang đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Nổi bật lên giữa các dòng họ là những người Đảng viên. Những lợi ích dòng họ vô hình dung đã phân tuyến, đối lập họ với nhau. Sự bè phái theo tổ chức Đảng ở Giếng Chùa khoác chiếc áo họ tộc. Họ tộc thì có tình máu mủ, một giọt máu đào vốn hơn ao nước lã. Vậy là sự bè cánh càng thêm thâm hậu không dễ mà bứt ra được. Cuộc đấu tranh với mục đích loại trừ nhau giữa những người đảng viên khoác màu áo các dòng họ đã diễn ra với biết bao hành vi vô đạo. Mâu thuẫn họ tộc tiêu biểu nhất là dòng họ Trịnh bá và Vũ Đình. Vì tranh giành ruộng đất và giai thoại bức tranh con hổ treo bàn thờ nhà Trịnh Bá đã kết liễu đi tình lối xóm mà kết tụ một mối thâm thù day dẳng. Dòng họ Vũ Đình chọc thủng mắt bức tranh hổ của dòng họ Trịnh Bá, một bức tranh có thể gọi là linh hồn của dòng họ. Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là sự tranh quyền đọat lợi về tư lợi và công lợi. Về tư lợi, Phúc câm phẫn ông Hàm đã cướp đi người yêu thương nhất của mình là bà Son, còn Hàm lại oán hận Phúc một mặt vì lời kí thác của cha và mặt khác là hành động chiếm đoạt bà Son trước mình. Nhưng rõ ràng nhất vẫn là công lợi. Mâu thuẫn giữa hai dòng họ này ngày một sâu đậm khi cả hai đều đang tranh giành đất ruộng và quyền lực như muốn ngoi đầu để có một vị trí trong xã hội. Phúc xem Thủ như một cái gai trong mắt và cố gắng lật đổ vị trí của Thủ vì quyền lợi. Còn Thủ muốn tiêu diệt Phúc như loại trừ một đối thủ không cân sức trong cuộc chơi đọat quyền này. Khác với thủ, Hàm đấu tranh chống lại Phúc vì danh dự và bản tính không chịu thua ai của mình. Cuộc đấu tranh giữa hai họ tộc có chân trong bộ máy nhà nước đang khống chế toàn bộ hoạt động ở Giếng Chùa. Quyền lực, “Tất cả đều làm ra từ súng! Quyền lực và sức mạnh đều từ nòng sung chui ra!”[223]  Những cuộc cãi vả tranh giành quyền lực liên tục xảy ra thậm chí có cả cái chết. Cái chết oan nghiệt của bà Son, nạn nhân của sự hèn nhát và sự độc ác đã đeo đuổi từ lúc bà còn con gái cho đến khi là người đàn bà quá tuổi 50, là một kế cục hiển nhiên của cả một đời nhục nhã. Hay mối tình oan nghiệt của Đào và Tùng. Môtip tình yêu mãnh liệt đâm chồi trên mảnh đất thù hằn giữa hai dòng họ không phải lạ với chúng ta nhưng câu chuyện tình này gợi cho người đọc nhiều cảm xúc. Chi tiết Minh khóc khi thấy Đào và Tùng bên nhau ở cuối tác phẩm gửi gắm một kết luận đa chiều. Liệu Minh khóc vì mình không được yêu Tùng hay thương cảm cho bi kịch tình yêu của người ban thân là Đào mặc dù bầu không khí xung đột đã hạ nhiệt được đôi phần. Những mâu thuẫn giữa hai họ tộc đã ảnh hưởng rất lớn trong lòng xã hội. Đây là một lời cảnh tỉnh với những người có thế lực của hai dòng họ mà hầu hết họ là những người Đảng viên đang nắm trong tay mọi chức vụ to nhỏ trong và ngoài làng xã. Lòng dạ họ xấu xa nhưng móng vuốt lại được giấu trong diện mạo của người khác. Và chỉ vì tính toán, sự hả hê thù hằn dòng tộc, họ đã xô đẩy biết bao người và cả chính họ vào chân tường, ngõ cụt.
1.4 Bức tranh cải cách ruộng đất với những cuộc họp đa dạng
Bức tranh này khởi đầu từ cuộc đấu tố địa chủ cụ Cố Đại mà người đấu tố là con trai và con dâu của cụ. Người bị tố không được cãi lại mà phải nhận tội dù những việc bị tố, họ chưa từng làm. Với khoán 10, nhà nước muốn cải thiện đời sống của nhân dân bằng việc cải cách ruộng đất, tập trung ruộng đất vào hợp tác xã. Và đã đem lại sức sống mới cho người dân Giếng Chùa. Nhưng bên cạnh đó sự trục lợi, sự mâu thuẫn từ phía những người đứng đầu Giếng Chùa như Thủ, Sửu, Phúc đã làm người dân mất lòng tin vào hợp tác xã và muốn tách ra khỏi hợp tác xã.
Thêm vào đó, các cuộc họp cũng đã góp phần làm náo động cuộc sống ở Giếng Chùa. Trong tác phẩm có rất nhiều cuộc họp diễn ra từ họp lớn đến họp nhỏ. Nào là họp chi bộ, họp để cải thiện và nâng cao chất lựơng Đảng viên, họp để bàn bạc triển khai Nghị quyết 04,….Mục đích của các cuộc họp là truyền đạt chỉ thị, nghị quyết của Nhà nước, tìm giải pháp nâng cao đời sống của nhân dân và chất lượng Đảng Viên. Nhưng thực chất các cuộc họp dưới sự điều khiền của Xuân Tươi , một trí thức nửa vời và lại là người “năng lực cũng không dồi dào lắm; cả văn lẫn hóa chỉ ở mức tạm dùng khi bấn người” (tr.147), “một anh ba hoa chích chòe, không lợi, không hại” (tr.148), lại trở nên nhốn nháo, lộn xộn “chuyện nọ xọ chuyện kia” đang giải quyết đơn đòi tách khỏi hợp tác xã lại chuyển sang vấn đề sản xuất,  “đang tư nhằng sang công, đang chuyện ngoài lề bắc cầu ngay vào nghị quyết” (tr.149) không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Đây là những cuộc họp vô tổ chức và không đáp ứng yêu cầu thực sự của một cuộc họp đúng nghĩa đã góp phần tạo nên bức tranh nhốn nháo, phức tạp ở Giếng Chùa. Không những vậy, những cuộc hôp còn thể hiện lên sư bát nháo, thiếu tổ chức. Trong cái không khí căng thẳng mong những đề xuất, những chính sách mới, mọi người đang đổ xô nhau “thương lượng”. Không biết cuộc thương lượng sẽ đi về đâu nếu không có Thủ. Thủ luôn là người dàn xếp những cuộc tranh chấp nhằm để phiên họp yên ổn. Thế là chấm hết, chưa một chính sách nào vì dân, phục vụ cho tâm ý nguyện vọng của dân được thực hiện. Cuộc họp gần cuối tác phẩm hiện lên cảnh hỗn loạn bát nháo khi mọi người đang đổ xô tranh quyền quyết định, thương thảo về ruộng đất thì bên ngoài là cảnh xô xát giữa ông Phúc và ông Hàm tranh ruộng với nhau. Cuộc họp dừng lại trong sự hỗn loạn, mọi người chạy tứ tán. Thật vô kỷ luật, không tổ chức thậm chí là hớ hên. Phải chăng, những người đang cầm những lệnh bài chia ruộng đất đã không có những hành động và chính sách ổn thỏa nên mới dẫn đến thảm cảnh đánh nhau thế kia. Tuy nhiên, không phải trong những cuộc họp tất cả khối người kia đều tư lợi. Ta vẫn thấy hình ảnh của ông Chỉnh hiện lên như một đại diện cho cán cân công bằng với mong muốn thay đổi tư tưởng lệch lạc, hủ lậu mà xây dựng Giếng Chùa càng giàu đẹp. Kế đó là Tùng, anh chàng dám yêu và dám sống liều lĩnh vì người yêu luôn mang một khát vọng cải thiện đời sống thực tại. Chính những người nông cạn luôn sống trong những hiềm khích cá nhân đã không đem đến cho người dân một cái nhìn tổng thể về xã hội, thời đại. Cải cách ruộng đất là những chỉ thị “nào là chỉ thị 100, nghị quyết 64, chỉ thị 28 về ruộng đất. Nông dân mà nhiều chỉ thị hơn cả lính, nghe cứ rối mù”[278]. “Xã hội” Giếng Chùa cứu rối tung lên cả!
2. Bi kịch con người nông thôn
2.1 Thân phận con người dưới đáy xã hội và khát vọng dân chủ
Ngoài việc khắc họa những khuôn mặt bị tha hóa về nhân cách trong những cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình; tác phẩm còn tập trung miêu tả những thân phận con người dưới đáy xã hội. Tuy bị dồn ép, vùi dập đến không ngốc đầu nổii nhưng trong họ vẫn tìm ẩn một khát vọng dân chủ. Đại diện cho những con người đáng thương ấy chính là lão Quềnh, Thó, Tám lé,…
Lão Quềnh là nhân vật có bi kịch thê lương nhất. Khi còn là thanh niên, lão Quềnh đã sống trong giai thoại bị ma ám, ma làm đến “ngơ ngơ ngẩn ngẩn”, mà chính lão cũng không biết có thật hay không nữa. Thân phận nhỏ bé bị xem thường cùng với tính tình hiền lành của lão đã khiến lão Quềnh trở thành người bị bóc lột sức lực “làm như trâu nhưng chẳng biết mà cả vòi vĩnh, vì thế ai có việc cũng muốn mướn cậu, và ai cũng có quyền đùa bởn cậu. Ngay cái tên Quỳnh đẹp đẽ của cậu, người ta cũng biến báo đi thành Quềnh”.Và thân phận nhỏ bé ấy cũng theo lão cho đến chết. Lão chết bất đắc kì tử “không được tắm rửa, vẫn mặc bộ quần áo đậm mồ hôi, nằm bó trong chiếu rồi buộc túng hai đầu lại”. Càng tàn nhẫn hơn khi lão Quềnh phải chết hai lần để được nằm trong quan tài bình đẳng như người khác.Thế nhưng con người nhỏ bé ấy, vẫn mơ ước, khát khao một gia đình nhỏ bé. Lão đã từng cưu mang một người phụ nữ có bầu do vợ Quàng (em trai lão) đem về. Ở con người này, chưa bao giờ sống một cuộc đời sung sướng và hạnh phúc. Sống với hai cái tên và chết đến những hai lần như một điềm báo cho số phận của lão. Nếu có sự chuyển luân hóa kiếp có lẽ số phận của lão cũng có khác gì kiếp vừa rồi.
Ngoài lão Quềnh thì Thó cũng là một nhân vật đáng để chú ý. “Tên hắn là Thọ nhưng cái tính tắt mắt, thấy ai để hở cái gì mà hắn không thuổng, không ngó thì ngứa ngáy không chịu được”. Ở nhân vật này hiện lên cho thân phận của con người khốn khổ, bần cùng trong xã hội. Khi mọi người đang tập trung “cảm xúc” trong đám tang ông Đại thì anh Thó lẻn vào nhà sau trộm rượu. Trong tác phẩm, màu đen của bóng tối luôn bao phủ con người này. Phải chăng, bóng đêm đang đồng lõa cho hành động trộm rượu của Thó hay nói đúng hơn bóng đêm bộc lộ thân phận con người. Vì cuộc sống quá vất vả nên Thó trở thành tên trộm; vì đói nghèo nên Thó trở thành tay sai cho Hàm. Thó cố dẹp bỏ những nỗi sợ hãi để theo Hàm quật mộ ông Đại chỉ vì vài thúng gạo. Nghèo, đói, và hơn thế cuộc đời tứ cố vô thân của Thó luôn bị bao phủ ở bóng đêm để khi nhân vật ngật ngưỡng bước ra, người đọc cảm thấy thương nhiều hơn là khinh bỉ.
Ngoài Quềnh, Thó thì Tám lé cũng là một nhân vật bị người ta chèn ép xuống tận đáy xã hội. Tám lé được miêu tả là một “anh chàng thợ húi đầu có cập mắt hiếng hiếng như bánh xe sang vành, chủ chiếc lều ở ngã ba trước cổng ủy ban, vì nợ hợp tác xã như chúa chổm, phải lên vùng kinh tế mới của huyện để được xí xóa hơn tấn thóc vay lãi lai rai hơn hai năm”. “Sau hơn năm tháng đi tha hương, anh chàng khố rách áo ôm bây giờ bỗng trở nên giàu sụ”.Tưởng rằng con người nhỏ bé ấy đã thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, đã giải phóng được đời mình nhưng rút cuộc Tám lé cũng chịu chung số phận như Quềnh, Thó vẫn là kẻ không dám đấu tranh, vươn dậy. Chi tiết Tám lé trở về nhà mua lại ruộng đất của mình và đốt đi căn nhà nghèo tàn như hành động từ bỏ cái nghèo và khẳng định khát vọng vươn mình, ngoi đầu dậy. Tuy nhiên, khát vọng ấy nhanh chóng bị kiềm hãm bởi thế lực cầm quyền đen tối đã ra tay, hăm dọa: “phải nhớ là dù có vàng dát đầy người, ở cái làng này mày cũng chỉ là đồ cóc nhái. Câm mồm đi thì chúng ông cho sống”. Trước sự vùi dập ấy, Tám lé rồi cũng không thể vượt lên được số phận, vẫn cam chịu, chấp nhận kiếp người nhỏ nhoi của mình.
2.2 Thân phận người phụ nữ sau lũy tre làng
“Mảnh đất lắm người nhiều ma” là một bức tranh nông thôn đặc sắc với biết bao thân phận, biết bao kiếp người lầm than. Chúng ta có thể thấy sau lũy tre làng người nông dân, đặc biệt hơn là những người phụ nữ với bao nỗi gian truân nhưng họ vẫn cam chịu nhưng ẩn sâu trong họ là khát vọng vươn lên. Điển hình là bà Son là một người phụ nữ đẹp người, đẹp cả tính nết nhưng số phận dường như đã an bày tất cả bà Son sinh ra với số kiếp “hồng nhan bạc phận”. Bà từng yêu và hiến dâng tất cả cho người mình yêu nhưng vì định kiến, vì gia đình bà cam chịu lấy người mình không yêu và cam chịu cảnh nô lệ suốt đời mà không dám than van. Sống trong cảnh đầy đủ vật chất nhưng ai biết đâu rằng đời sống tinh thần của bà là cả một khoảng tối, đầy thiếu thốn. Rồi chính mối thù hằn của hai gia đình, những mưu mô, tính toan ích kỷ của những cuộc đấu đá, tranh giành đã bức bà đầm mình xuống sông tự tử. Cái chết của bà là kết thúc của kiếp người đau đớn sống mà không thể làm chủ cuộc đời mình, cũng là kết thúc kiếp nô lệ, kết thúc cảnh cam chịu.
Bên cạnh bà Son, thì Đào một cô gái trẻ đẹp một thanh niên của thế hệ mới tràn đầy sức sống “một cô gái hai mươi tuổi, được tiếng là xinh đẹp nhất nhì xóm Giếng Chùa…cháu bí thư Đảng ủy…con người giàu có tiếng” Đào có đủ điều kiện để có cuộc sống hạnh phúc nhưng Đào cũng chính là nạn nhân của những thù hằn, toan tính. Cô yêu mãnh liệt Tùng nhưng tình yêu của cô lạ bị ràng buộc bởi mối thù giữa hai gia đình. Đào là người có cá tính mạnh dám yêu, dám hận. Cô yêu Tùng nhưng biết được Tùng đã kêu người đến bắt quả tang cha cô quật mộ ông Đại, cô căm giận và không muốn thấy mặc Tùng nữa và muốn chấm dứt tình yêu với Tùng. Người phụ nữ có sức sống mãnh liệt này liệu có vượt qua được định kiến để đến với người mình yêu, để tự quyết định hôn nhân của mình không hay lại rơi vào bi kịch như cuộc đời mẹ của cô, bà Son?
Một nhân vật nữa cũng góp phần làm nên bức tranh phức tạp của Giếng Chùa là chị Bé. Một người phụ nữ tuy không đẹp nhưng thân hình chắc khỏe đẩy đà, là một người dân ngụ cư tuy bên ngoài sống âm thầm luôn cúi mặt xuống chăm chú vào công việc của mình nhưng đời sống nội tâm thì vô cùng mạnh mẽ và ôm ấp khát vọng đồi đời. Chị ta luôn cố lắng nghe mọi việc xảy ra ở nhà ông Hàm và chờ thời cơ để ngoi lên. Đó là lúc bà Son mất chị ta từ một con ở đã có ý đồ ngoi lên làm chủ căn nhà với thủ đoạn vờ bị bà Son nhập để không bị đuổi khỏi nhà. Và chị đã thành công khi dần có được một ít lòng tin của Thủ trong việc khôn khéo hứa giúp Thủ giành thế trong việc đấu đá, kiện tụng. Và với sức mạnh của người phụ nữ  trong chị, chị đã làm cho ông Hàm phải điêu đứng. Sự ngoi lên của chị Bé chứng tỏ sức sống mãnh liệt của người phụ nữ. Nhưng thực chất sự ngoi lên này chỉ là lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn khác ,chị trở thành nô lệ của ông Hàm, tay sai cho Thủ. “Nhìn ông Hàm với ánh mắt trung thành tuyệt đối, như sẵn sàng xông vào những cuộc giành giật nếu ông sai bảo”(tr.275)
2.3 Con người trước bi kịch giữa quyền lực và danh dự.
Mảnh đất lắm người nhiều ma có hai mảng nhân vật hình thành rành rẽ như hai “binh chủng” khác biệt (có lẽ vì tác giả là lính). Một “binh chủng” để tạo không khí đời sống chân chất ở giếng chùa: bà đồ Ngật, lão Quềnh, cô Thống Biệu, Quàng, Thó…Nhân vật có cái tên dân dã rất dễ nhớ, có khi chỉ cần miêu tả qua vài đường nét tiểu sử, thân phận, có khi chỉ vài đường nét chấm phá nhưng đều là những chân dung đặc nét, khó quên và đều xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ mà tác giả giao phó. Còn “binh chủng” được xây dựng như lực lượng chủ lực dùng để huy động vào cuộc xung đột giữa hai dòng họ: ông Phúc, Hàm, Thủ, Son, Đào, Tùng,..Trừ ông Hàm khi đứng độc lập vẫn hoàn chỉnh một chân dung đầy tính cách và bà Son nổi bật với thân phận bi đát của người vô tội bị biến thành nạn nhận của “chiến tranh” của hai phe thì các nhân vật còn lại tồn tại vào sợi dây tình huống. Tác giả đã mất rất nhiều công sức khi miêu tả vể Thủ, một nhân mẫu mới về nông thôn, với quyền chức trong tay, bề ngoài trông anh có vẻ mềm mỏng nhã nhặn luôn sống vì dân vì nước, thực chất lại thâm độc xảo quyệt, tàn bạo nhưng các sự kiện xung đột đã khiến cho hai mặt của người người này khó chui chung một khuôn. Mâu thuẫn giữa danh dự và quyền lợi đã sản sinh ra một con người như Thủ_con người bị quyền lơi, danh vọng làm tha hóa. Kể từ đọan Thủ và Cao “bài binh bố trận” để lật ngược tình thế buộc ông Phúc phải bãi nại không kiện ông Hàm nữa thì bộ mặt của Thủ mới thật xuất hiện. Và cho hết quyển sách, từng phát ngôn của Thủ đều để lại trong tâm trí người đọc một suy nghĩ: Liệu Thủ còn mưu toan gì nữa đây?. Là người được coi là “đẹp trai lồng lộng” lại đa tài vậy mà Thủ lấy Luyến có “bộ mặt rỗ hoa” và “nước da bánh mật”. Thủ lấy Luyến để giam hãm đi dư luận. Với Thủ, anh luôn toan tính với những gì mình làm và có khả năng giải quyết tình huống dù nó đang rơi vào tình thế hiểm nghèo nhất. Thủ biết trấn an, biết làm người ta tin mình nhất là những người như bà Son, như Cao…Ở con người này, người ta không biết khi nào Thủ giận, khi nào vui và đang thù hằn ai. “Tay Thủ[..]là người biết làm chính trọ đấy. Tức là mọi việc hắn cứ làm như không! Yêu ai cũng không sàm sỡ, ghét ai cũng không hầm hè, cứ lặng lẽ làm để đạt tới mục đích. Cứ ngẫm cái ngày hắn đi học ở trên tỉnh thì đủ biết. Vừa học xong một khóa đào tạo cán bộ cơ sở thì đúng dịp xã hội Đảng bộ. Thế là hắn lao vào làm đủ mọi việc để thượng vàng hạ cám[…]chỗ nào người ta cũng gọi anh Thủ[…]Hắn có mặt ở khắp mọi nơi[…]thế là ai cũng trầm trồ[…]đến là giản dị, xông xáo và quần chúng quá thể[…]Trong buổi đại hội chỉ trừ hắn thì toàn bộ những người Giếng Chùa bị mất phiếu”[251]. Đây là lời nhận định của ông Phúc về Thủ. Dường như ở con người có học thức và biết thức thời như Thủ đã làm cho ông Phúc, Tùng, Sửu và ngay cả ông Chỉnh_người có vốn sống, tri thức rộng đều phải nể nang và cảnh giác. Thủ luôn đề phòng, ngăn chặn những tác nhân gây xấu đến với mình nhất là về quyền lực. Trong con mắt của Sửu, Sửu muốn diệt trừ Thủ để ngoi đầu và muốn khẳng định mình. Nhưng đằng sau con người này luôn tồn tại những thế lực khác. Thủ biết hạ mình trước những người lớn quyền hơn mình, và biết yêu thương, vuốt ve những người như Cao, chị Bé. Dường như suốt toàn tác phẩm chúng ta thấy tác giả miêu tả Thủ trong trạng thái tư lự, đâm chiêu và luôn miệt mài suy nghĩ. Thủ ít cười, họa chăng chỉ là những nụ cười ẩn ý. Đây là một con người sống bằng lí tính và có tinh thần cảnh giác rất cao. Sau vụ việc ông Hàm bị bắt thì Thủ cảm nhận uy tín của mình bị triệt hạ. Để lật ngược ván cờ, một lần nữa Thủ đem bà Son ra làm phô bài nhằm đẩy ông Phúc vào tình thế bất khả minh oan. Vả lại, với chi bộ Đảng ở Giếng Chùa, một khi thế lực của dòng Vũ Đình bị triệt hạ thì Thủ sẽ lấy lại được cả vốn lẫn lời. Phải chăng chính quyền lực đã xô đẩy con người biết thương yêu như Thủ vào vực thẳm tội lỗi. Thủ đâm ra sống lãnh đạm, vô cảm xúc, thậm chí ở con người anh những cung bậc cảm xúc đã “rệu rã” và dần thay thế cho tư lợi và danh dự.
3. Yếu tố kì ảo trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma”
3.1. Sự gắn liền giữa Môtip cái chết và những mối tình khác thường
GS Nguyễn Đăng Mạnh từng đề xuất về nhan đề “Mảnh đất lắm người nhiều ma” nên chỉnh lại là “Mảnh đất ít người nhiều ma”. Quả thật, đây là một mảnh đất toàn là ma: ma sống, ma chết, ma giả, ma thật,.. thật là âm khí nặng nề. Thành công của tác giả là tạo một bầu không khí âm dương lẫn lộn, quỷ ở với người, có những nhân vật khó phân biệt đâu là phần quỷ và đâu là phần người. Và trong cái không khí ảm đạm đó, nhà văn miêu tả về những cái chết trong sự đan cài giữa những mối tình có thể gọi là bất thường. Trước hết là mối tình giữa cậu cả Quỳnh với con ma dưới gốc si già mà mỗi lần họ đến với nhau thì “bầy đom đóm cứ chao lượn theo hai bóng người” tạo nên một bối cảnh kỳ ảo vừa thực vừa hư, vừa giống với Liêu Trai nhưng lại cũng rất khác với Liêu Trai. Đây là tình yêu siêu thường mà yếu tố kỳ ảo là cách thức giải thích số phận cuộc đời éo le này.
Tình yêu thứ hai là tình yêu vượt ngưỡng của ông giáo Phúc và bà Son với một sự đam mê giữa một người đàn ông đã có “một vợ một con” theo luật gia đình nghĩa là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy “nhưng vẫn phong tình lắm” với một “cô Son đẹp nhất làng” với “mặt hoa da phấn, thắt đáy lưng ong” với “cặp mắt lá răm vừa đen vừa sắc”. Nhưng rồi mối tình đó không thành vì  ông Phúc không đủ dũng cảm để vượt qua thói nhà, còn cô Son lại phải lấy anh Hàm “người không được hào hoa phong nhã như cậu giáo Phúc” nhưng “nhiều hoa tay, làm cái gì cũng khéo” với một đám cưới có thách có cheo “phân miêng tử tế” dẫn tới đám cưới có “đêm động phòng có mùi vị địa ngục” khiến cho mối thù riêng giữa Hàm và Phúc gắn liền với mối thù của hai giòng họ đã một thời tranh chấp nhau cái ghế lý trưởng để làm kẻ cả trong làng.
Tiếp đó là mối tình tự nguyện một cách khác thường, táo tợn tới mức dữ dội giữa chị Bé và ông Hàm ngay sau khi bà Son vừa được chôn cất.Tự nguyện bởi chị Bé ở vào cảnh tứ cố vô thân, bằng mọi giá “phải giành được sự sống đang chơi vơi lơ lửng như cánh diều trước gió chỉ chực bay tuột mất khỏi đôi tay khẻo mạnh của chị”. Do đó “bóng đêm càng làm cho cái chất táo tợn của người đàn bà lồng lên như ngựa”.Mối tình tự nguyện này bất chấp mọi luật lệ gia phong vốn được giòng họ thờ ông ba mươi này tôn thờ nhưng lại có tính chất nhấn mạnh cái bi kịch của giòng họ và gia đình này.Bởi vì giòng họ này sẽ có thêm một công cụ tự nguyện có thể nói là đắc lực mà giúp cho dòng họ đi lên thì ít mà đẩy giòng họ Trịnh Bá vào sâu hơn trong con đường hầm thì nhiều.
Một mối tình bất thường khác giữa Thủ bây giờ là bí thư đảng uỷ xã, người to quyền nhất xã, người được coi là “đẹp trai lồng lộng” với Luyến có “bộ mặt rỗ hoa” và “nước da bánh mật” mà “da bánh mật thì không thể bì với da bánh trôi được” mà khi cả hai khi đã thành vợ thành chống thì bố mẹ Luyến “cứ ngơ ngẩn như đánh tuột khỏi tay nồi thóc giống”. Bất thường là vì anh chàng Thủ chắc cũng chỉ “không nỡ để phí của giời”, cũng định “léng phéng cải thiện cho vui”. Song như nhận định của cánh thanh niên cùng xã thì “quá mù ra mưa” mà hơn nữa Thủ lại đang thuộc diện cảm tình, phát triển đảng của đảng bộ địa phương. Bài toán cơ hội được đặt ra mà người phải đưa ra đáp số cuối cùng là Thủ và thế là cô Luyến có chồng bất chấp cái  mặt rỗ hoa của mình. Đám cưới của ông Hàm với bà Son trang trọng bao nhiêu như để thách thức kẻ tình địch Vũ Đình Phúc thì đám cưới của chú em Thủ với cô Luyến mặt rỗ hoa đơn giản bấy nhiêu, cũng gợi cho ta cảnh đám cưới chạy làng mà làng quê nào cũng có.

Một mối tình khác cũng thuộc dạng bất hạnh giữa trung tá Chỉnh với cô Lạc “không đẹp, người ta, mặt to, mũi to. Nhưng được cái trắng, trắng như cạo!” và “hay cười. Cười to, cười giòn, cứ như cả một chảo ngô rang đang nổ tung trên lửa”. Con người này sẽ tự nguyện chấp nhận phá vỡ gia đình để không làm tổn hại tới Chỉnh, vì cô thuộc loại vô sinh và cô quan hệ với người này người kia cũng như một nhu cầu cần ăn cần uống vậy. Đây là con người không vụ lợi trong cái thế giới của những kẻ vụ lợi trong xóm Giếng Chùa.
Còn tình yêu cuối cùng là tình yêu giữa Đào, con gái ông Hàm với Tùng, con bà Sang thuộc dòng họ đối lập. Mối tình này trôi nổi trong sóng gió giữa các cuộc trả thù giữa hai giòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình. Cuộc trả thù này có lập trường quan điểm rõ ràng. Một bên là quan điểm của Phúc với sự khẳng định gần như chắc chắn và dứt khoát : “Mà không có cái chân Đảng viên thì cả họ nhà này chúng nó cho ăn bùn”. Còn quan điểm của Hàm thì hết sức rõ ràng trong lời khẩn cầu thiên la địa võng: “ bắt họ Vũ phải chịu:
                   Ba đời tuyệt tự,
                     Hữu nữ vô nam
                     Hữu sinh vô dưỡng…”
Mối tình này có vẻ mang dáng dấp Rômêô và Juyliet, nhưng bị đặt trong hoàn cảnh đặc thù như vậy, cả hai cũng chẳng làm được gì ngoài giận dữ và khóc lóc ở Đào hay dự định đi xuất khẩu lao động của Tùng. Hơn thế giữa họ còn có Minh tồ xuất hiện và cũng với một tình yêu nồng nàn cho dù chưa vượt ngưỡng giữa cô ta và Tùng vốn đang bị đặt vào một tình thế éo le.Rômêo và Juyliet còn dám cưới nhau cho dù chỉ là đám cưới bí mật. Còn giữa Tùng và Đào thì không thể có chuyện đó.
Các mối tình này được đặt trong khuôn khổ của những cái chết. Cái chết mở đầu là cái chết của ông Vũ Đình Đại , bố của Phúc, người phải ra đi sau khi trở về ở với vợ chồng Phúc không lâu vì trước đó là chuyện cha con từ nhau vì việc Phúc đã đâú tố cha mình trong cải cách ruộng đất. Cái chết thứ hai là cái chết của một đứa trẻ , con của chị Bé bất hạnh mà cảnh đứa bé đã chết tự nhiên bật dậy khi có con mèo chạy qua đã làm khiếp đảm mọi người. Cái chết thứ ba là cái chết của lão Quềnh, một cái chết bi thảm : đứt ruột mà chết. Cái chết thứ tư là cái chết của bà Son cũng bất hạnh không kém bởi sự thức tỉnh của lương tâm và ý thức không muốn trở thành công cụ trả thù cho dòng họ Trịnh Bá. Cái chết thứ năm là cái chết của cô thống Biệu và cũng đồng thời là  “người cao niên nhất cuối cùng của làng chuyên sống bằng yểm tà trị quỷ có tới non một nửa thế kỷ, nhưng bây giờ phải tự nhận là hết phép, là bất lực trước những con “ma sống” đã chính thức vĩnh biệt Giếng Chùa!”. Năm cái chết trải dài trên tiến trình thời gian, gắn với những sự kiện đang diễn ra lúc công khai lúc ngấm ngầm trong cái xóm Giếng Chùa đã không còn chiều cao và chiều sâu ấy.Với tư cách là một biểu tượng, một môtip kỳ ảo quan trọng cái chết chỉ ra phần có thể mất đi, có thể bị huỷ hoại của sự sống. Nhưng nó cũng là kẻ dẫn người ta vào các thế giới chưa biết đến của Địa ngục hay Thiên đường của các quan niệm tôn giáo và thường gắn liền với các nghi lễ thiêng liêng. Sự huyền bí của cái chết theo kiểu sinh hữu hạn, tử bất kỳ hoặc sinh ký tử quy, từ lâu vẫn được cảm thụ như là nỗi kinh hoàng và được biểu thị bằng những nét gây khiếp đảm. Đây là sự kháng cự được đẩy lên mức tối đa, chống lại sự đổi thay và một hình thức sinh tồn chưa biết đến, nhiều hơn là nỗi sợ bị diệt trừ trong thế giới hư vô. Cái chết dẫn xuất đến một nền văn hoá về cái chết và luôn luôn được mọi tín ngưỡng quan tâm.
Các câu chuyện về cái chết có những người chết thật nhưng xét một mặt nào đó thì người chết lại hoá ra không chết, tạo ra những cơn lốc cuộc đời cứ xoay tròn trên cái xóm Giếng Chùa, tạo ra thế giới kỳ ảo tưởng như hoang đường song lại có khả năng khắc hoạ hiện thực rất sâu sắc. Văn hoá tâm linh, văn hoá về cái chết được các thế lực đối đầu trong cái xứ sở bé bằng bàn tay ấy triệt để lợi dụng. Điều đó cho thấy một hiện thực dữ dội mà những người có lương tâm đều phải suy nghĩ.
3.2. Môtip ma hiện hồn:
Ngoài chi tiết bà Son “nhập” vào chị Bé như trên đã phân thích thì môtip ma hiện hồn còn xuất hiện khi ông Hàm nằm mơ thấy bà Son. Hình ảnh bà Son “ướt đẫm từ chân lên đầu” đang “cúi xuống nước chảy ròng ròng..nét môi quả tim của bà đang run tái như người cảm lạnh”[246] làm ông Hàm phải rợn óc. Người chết trở về báo mộng. Nhưng bà Son về làm gì? Biện minh hay về chia tay lần cuối? “Ông có biết làm sao tôi phải trẫm mình không? Không phải tại ông hết cả đâu! Ông đừng lo…Dù ngọt bùi cay đắng thì cũng là đạo vợ chồng, rồi còn chúng nó, bốn mặt con,..tôi phải có bổn phận với ông với con”[246]. Có chua xót chăng khi người chồng của mình đã làm ra rất nhiều chuyện để cuộc đời bà Son buồn bã nhưng người đàn bà này cũng chẳng nửa lời than trách. “không phải tại ông hết cả”, bà trách ông Hàm hay đang thầm trách cái xã hội đã xô đẩy bà vào con đường cùng. Môtip hiện hồn xuất hiện khiến cảm xúc người đọc như chùng lại. Người đọc cảm nhận được cái lãnh đạm của xã hội thiếu dân chủ đang chèn ép một người phụ nữ bất hạnh như bà Son. Khi còn sống bà là một con người hiền hòa và sau khi chết đáng ra sự trở về bằng hồn phách phải mang một nỗi oán hờn, căm phẫn nhưng ở đây lại là một tấm lòng vị tha cao cả. Dường như cả một đời của mình, bà Son chưa từng nói chuyện nhiều với ông Hàm như thế; và cũng chưa bao giờ bà đón nhận được hành động lo lắng và chìu chuộng của ông Hàm, mãi cho đến khi bà mất “Ông (Hàm) đánh diêm châm đèn con trên bàn thờ, rồi kéo một góc chiếc màn gió…ông Hàm đốt ba nén hương, rồi rót một chén rượu”[247]. Hành động mang vẻ như một sự trấn an người chết hay đang hối hận của bản thân ông Hàm. Như cái để chúng ta ngẫm nghĩ, nhờ có việc hiện hồn của bà Son ông Hàm mới thấy được cái tình của bà và những sự nghi toan, hiềm khích về bà cũng đã mất.
III.           NGHỆ THUẬT CỦA “MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA”
Bên cạnh nội dung đặc sắc, chúng ta không thể không nhắc tới nghệ thuật độc đáo đã góp phần làm nên thành công vang dội cho tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.Trong tiểu thuyết “Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma”, nhân vật dường như tự bộc bạch nỗi lòng của mình mà không cần đến sự khơi gợi hay thúc ép của tác giả: “Nỗi uất ức sự chán ngán đến cực điểm vì bị làm nhục…bà Son không còn thiết gì, không còn sợ gì nữa…Trong lòng, trong trí bà Son cũng đang mù mịt tựa khói ám. Đôi chân chạy như bị xui bị khiến. Có tiếng nước chảy ồ ồ phía trước. Bà Son hổn hển lao tới,…”(tr.210)
Tất cả những tình huống bi kịch trong tiểu thuyết được tác giả giải thích dưới hình thức châm biếm, hài hước. Đằng sau giọng điệu cười đùa bỡn cợt là một tấm lòng yêu thương ưu ái với đời. “Vậy lão Quềnh được ưu đãi hay lão phải chết hai lần. Chôn xuống rồi lại moi lên là điều xưa nay người ta cấm kỵ. Nhưng lão Quềnh ơi! Để được nằm trong bộ áo quan, nghĩa là được chết bình đẳng như những người chết khác, lão phải vui lòng nhận thêm một sự vất vả khi đã nhắm mắt xuôi tay.”(tr.47). Đọc những dòng viết về lão Quềnh bị chôn lần thứ hai, bạn không khỏi thấy đau đớn, chua chát:“lão phải hy sinh một lần nữa để cứu danh dự cho những người khác đấy! Sứ mệnh của lão thế mà to! Thôi thì đại xá cho sự khôn ngoan của người đời lão Quềnh à!”.(tr.47)
Mỗi một nhân vật của Nguyễn Khắc Trường đều có một cá tính riêng biệt độc đáo không giống bất cứ ai, không trùng lặp. Mưu mô thủ đoạn như Thủ, Phúc, láu lỉnh, cơ hội như Sửu, nhu nhược, cả tin như Son, mạnh mẽ, quyết liệt, bộc trực như Đào, Tùng, Minh. Gia trưởng, cửa quyền, độc đoán như ông Hàm…tất cả tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống của những người dân quê.
Bên trong những con người dân quê đó, bên cái phần người là phần ma, ma quỷ ám ảnh cuộc sống con người. Nó chi phối làm tê liệt các giác quan khỏe khoắn của biết bao người về cuộc sống. Nhiều đoạn văn trong Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma sắc lạnh gây một cảm giác rờn rợn khi đọc. “Nơi vùng quê bề ngoài rất yên tĩnh này, vừa có những người ngơ ngác dại khờ, những người thật thà như đếm, nhưng cũng lại là những kẻ đủ mưu ma chước quỷ… cũng xúi bẩy, kích động ném đá giấu tay, cũng cười bả lả chạm cốc nhau lanh canh  trong những bữa tiệc đồng chí, nhưng trong bụng lại thầm rủa sau bữa rượu này mày xa chân lỡ bước chết đi cho rảnh. ”(tr.58)
 Theo tác giả Nguyễn Hữu Sơn thì tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma “không có những trang miêu tả, thể hiện thời gian tâm lí, tâm trạng gây ấn tượng như” Sầu đong càng lắc càng đầy – Ba thu dồn lại một ngày dài ghê!” (Truyện Kiều), song chính mối liên hệ giữa các biến cố, sự kiện với thời điểm nảy sinh các biến cố, sự kiện đó mới là đặc điểm chính yếu tạo nên đặc trưng thời gian cho tác phẩm”. Và đặc trưng thời gian của tác phẩm là thời gian bóng đêm. Các phân đoạn mở đầu hay kết thúc trong tác phẩm cũng gắn liền với cảnh chiều tà, bóng tối. Phần lớn những thời gian được đặc tả trong tác phẩm là thời gian bóng đêm, hơn thế nữa chúng lại thuộc về đêm cuối tháng không trăng sao, hoặc có trăng thì chỉ thấy hình hài kì dị, không bao giờ được miêu tả như cái đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên.
  Đêm cũng là thời điểm bộc lộ thân phận, tính cách của con người: ngay đầu tác phẩm là những hồi ức về chuyện mấy mươi năm trước lão Quềnh đã từng gặp ma và ăn ở với ma trong đêm, rồi đến cảnh đám ma cụ cố Đại trong đêm, cảnh Thó lợi dụng đêm tối bê trộm hũ rượu. Đó là  một “đêm cuối tháng tối lờ mờ”(tr.29). Cảnh bí thư Thủ và phó công an Cao đã bày trận địa giả đẩy bà Son phải ra mặt chống ông Phúc - người tình của bà năm xưa nay là là kẻ thù của dòng họ nhà chồng cũng được tiến hành trong đêm: “đã về khuya, ánh sáng sao nhạt nhòa, hơi sương phơ phất như khói nhạt, khiến cảnh bãi lờ mờ như trong chiêm bao.”, bà Son bị dồn đẩy cũng lao mình xuống sông tự vẫn giữa đêm tối: “Trăng đầu tháng đã lặn. Làng ngủ thiếp. Đường tối nhờ nhờ như hư như thực…”(tr.209).
   Thời gian bóng tối là thời gian của ma quỉ, hắc ám, hiểm họa, là sự đồng lõa với tâm địa đen tối của từng con người, những phe nhóm , những “chi bộ gia đình”, những sự ăn chia ngấm ngầm của các đối thủ, hay nói cách khác nó là thời gian cho phần ma trong con người được bộc lộ....Ta có thể kết luận, thời gian bóng đêm là thời gian thống lĩnh trong tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Đêm chở che và đêm đồng lõa”
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm chỉ vòng quanh xóm Giếng Chùa nhưng đã gợi ra một không gian rộng lớn hơn. Không gian đó không còn ở xóm Giếng Chùa nữa mà nó là bất cứ làng, xã nào. Không gian đó như một cái xã hội thu nhỏ với biết bao cái tốt xấu lẫn lộn.
Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma) với bút pháp tả thực mới đã đem lại cho công chúng nhiều nhận thức mới mẻ về hiện thực.
Khi nói đến bút pháp tả thực mới, cần thấy rằng đây là thủ pháp quan trọng của khuynh hướng tiểu thuyết “nhận thức lại” lịch sử. Khuynh hướng này có phần gần gũi với cảm hứng phản tư trong tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ cải cách Thậm chí không ít người coi sự giáo điều và tả khuynh mới thực sự là cách mạng! Tình cảnh của nông thôn và số phận của người nông dân cũng được miêu tả một cách chân thực qua  Mảnh đất lắm người nhiều ma... Trong những tác phẩm này, cái các ác, xấu có mặt khắp nơi, thả sức hoành hoành và nhiều người hành động như những kẻ cuồng tín. Sự ấu trĩ trong nhận thức, sự hạn hẹp về tầm nhìn của một số cán bộ có chức có quyền đã khiến biết bao gia đình tan nát, bao số phận dang dở. Nhìn chung, Nguyễn Khắc Trường đã dựng lại bi kịch của một thời, nhưng thông qua những tấn bi kịch nhiều khi cười ra nước mắt ấy chúng ta sẽ từ giã quá khứ một cách dứt khoát hơn để hướng tới một tương lai tốt đẹp giàu tính nhân bản hơn. ... Những cái nhìn chân thực, sắc sảo trong tác phẩm như một hồi chuông để mọi người giật mình nhìn lại những gì đã và đang xảy ra.
  Tác giả cũng đã rất thành công khi xây dựng tính cách nhân vật đối lập nhau, những cảnh huống trái ngược nhau làm nổi bật vấn đề được phản ánh và khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Đối nghịch giữa cảnh đám tang êm ắng, hiu quạnh và nghèo nàn của lão Quềnh: “Bốn người khiêng Quềnh bó trong chiếc chiếu hoa…đi lặng lẽ trong bóng chiều chạng vạng” và sự đình đám, hoành tráng đầy tiếng trống nhạc của đám tang giàu sang của Cụ Cố Đại: “có trống có kèn như đêm hát đêm nhạc”, hay “trong gian nhà ngói năm gian đông chật người, hương khói nghi ngút”. Qua đó ta thấy thân phận bi đát của người nông dân.
 Tính cách nhân vật được tác giả khắc họa rõ nét qua sự đối lập giữa sự khờ khạo, ngu ngơ, thật thà của lão Quềnh với sự dối trá, thủ đoạn của những người cầm quyền ở Giếng Chùa.
Giá trị thẩm mỹ cao nhất của tác phẩm văn học là hình tượng nghệ thuật, tác giả Nguyễn Khắc Trường đã góp phần vào cho nền tiểu thuyết hôm nay những hình tượng nhân vật mang giá trị thẩm mỹ giáo dục sâu sắc. Đó là  lớp thanh niên mới như Tùng, Đào, Minh. Họ là những người không bị ràng buộc bởi tư tưởng và định kiến cũ, sống thanh thản, dễ hòa hợp.